Theo Nghị quyết, trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương.
Trong đó, thực hiện loại trừ một số khoản thu theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 86/2019/NQ14 của Quốc hội khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để cải cách tiền lương. Đồng thời, loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Các ĐB bấm nút thông qua Nghị quyết |
Đối với những địa phương đã có cam kết đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương và chính sách an sinh xã hội đến hết năm 2020, trường hợp dự toán năm 2021 thiếu nguồn, sẽ được ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện chính sách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo các chế độ quy định.
Các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, kết luận số 91 của Hội nghị Trung ương 13 quy định “trong năm 2021 chưa điều chỉnh lương cơ sở, chưa điều chỉnh chuẩn nghèo”.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tình hình thu NSNN năm 2020 hụt thu khoảng 190 nghìn tỷ đồng so với dự toán; dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 giảm trên 170 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020.
Vì vậy chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng (đối tượng do NSNN bảo đảm), trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2020 và năm 2021, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới.
Cũng theo Nghị quyết, năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước là 1.343.330 tỷ đồng, tổng chi là 1.687.000 tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỷ đồng.
Mức bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 318.870 tỷ đồng (tương đương 3,7%GDP); bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng (tương đương 0,3%GDP).
Quốc hội thống nhất, trong năm 2020, không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai.
Chính phủ tính toán tăng lương sau 1/1/2021
Chia sẻ với báo chí bên lề QH vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận ngân sách năm nay rất khó khăn do cú sốc Covid-19.
Hương Quỳnh