- Thảo luận tại tổ chiều nay về dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Nếu miếng bánh hiện nay chia mành mành ra 63 tỉnh thành thì cuối cùng không có gì cả”.
“Tôi phát biểu ở đây hết sức công tâm chứ không phải đường cao tốc Bắc - Nam đi qua nơi mình sinh sống, nơi mình làm Bí thư mà cố gắng bảo vệ”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể mở đầu.
XEM CLIP:
Không có con đường nào khác
Ông cho biết, ngân sách vô cùng khó khăn, quan điểm của CP hình thành trục lộ cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế chính trị quan trọng của đất nước để tạo sự đột phát kinh tế xã hội.
“Quan điểm này bản thân tôi và các đồng chí, người dân đều rất đồng tình”, Bộ trưởng GTVT nói.
Theo ông, suy cho cùng tỉnh nào, địa phương nào phát triển được công nghiệp, thương mại, dịch vụ cao đều trở thành địa phương phát triển. Còn tỉnh nào tập trung nông nghiệp thì nghèo hơn.
“Nghèo hơn không có nghĩa chúng ta không có lối thoát. Nếu một miếng bánh hiện nay chia mành mành ra 63 tỉnh thành thì cuối cùng không có gì cả và cuối cùng ngân sách chúng ta không tăng trưởng”, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.
“Tôi nghĩ rằng muốn cho đất nước phát triển bền vững, ngân sách dồi dào, các tỉnh giàu hỗ trợ cho tỉnh nghèo, muốn có ngân sách lớn hỗ trợ cho các tỉnh còn khó khăn thì không có con đường nào khác bằng cách chúng ta ủng hộ dự án này để có trục đường tạo động lực phát triển kinh tế lớn”, Bộ trưởng thuyết phục.
Về ý kiến nhiều ĐB thắc mắc vì sao làm 11 dự án nhưng có 3 dự án đầu tư công toàn bộ, 8 dự án BOT, Bộ trưởng GTVT cho hay, với dự án Cao Bồ - Mai Sơn, 15km dù ngắn nhưng phải làm cao tốc 4 làn xe để bảo đảm lưu lượng HN - Nghệ An - Hà Tĩnh trên 35 ngàn xe/ngày đêm, tới 2020 tăng lên 40 ngàn xe, nếu không có cao tốc tắc ngay.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Minh Đạt |
“Đoạn này hiện đã đầu tư 2 làn xe rồi, cả trục 4 làn không lý do gì không đầu tư, nhưng nếu làm BOT rồi thu phí thì sẽ gây tâm tư vì đường cũ đầu tư lại rồi thu phí”, ông giải thích.
Dự án thứ 2 đầu tư công là đoạn Cam Lộ - La Sơn để tới 2020 đường Hồ Chí Minh tới mũi Cà Mau thông xe nhưng riêng đoạn này chưa có cao tốc. Vì vậy CP thống nhất đầu tư, nhưng do lưu lượng hạn chế nên chỉ đầu tư 2 làn xe và dùng đầu tư công 102 km với hơn 7.000 tỷ đồng.
Dự án thứ 3 là cầu Mỹ Thuận 2, đầu tư đặc thù 7km vốn đầu tư công khoảng hơn 5.000 tỷ đồng để tạo động lực cho 2 dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ để tới 2020 thông tuyến.
“Như vậy từ TP.HCM – Cần Thơ chỉ 170km nhưng toàn bộ BOT hết. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 là đầu tư công", ông Thể nói.
8 dự án BOT đấu thầu hết
Bộ trưởng GTVT cho biết, đến 2020 đang tiệm cận quá tải, không đầu tư, hoặc đầu tư chậm sẽ ùn tắc, cản trở cả một trục lộ Bắc - Nam. Do đó Bộ đề xuất CP đồng ý đầu tư 8 dự án này - một phần vốn nhà nước giải phóng mặt bằng theo quy hoạch.
Ông cho biết, theo quy hoạch những con đường gần đô thị lớn xe, nhu cầu đi lại nhiều hơn có đoạn 8 làn xe, ngoài đô thị 4-6 làn.
Bộ trưởng GTVT cũng thông tin thêm đợt này đền bù GPMB hơn 13.000 tỷ cho cả 11 gói thầu, cùng với 10.000 tỷ cho 3 dự án đầu tư công. Như vậy trong 55.000 tỷ ngân sách dành cho cao tốc Bắc - Nam còn lại 27.500 tỷ để đầu tư cùng 8 dự án BOT.
“Đây mới là dự án khả thi thôi, sắp tới tư vấn sẽ nghiên cứu kỹ chuẩn xác số liệu, và dự án nào bao nhiêu sẽ trình CP để 27.500 tỷ phân bổ một cách hợp lý”, ông Thể nói.
“Chúng ta chỉ đấu thầu chứ không chỉ định thầu giống như trước đây nên rất khó. Chúng ta đấu thầu lần này không được thì điều chỉnh đấu thầu lần sau, làm thế nào thực hiện BOT bằng cách đầu thầu hết”, người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh.
Thu phí BOT 2.500 đồng/km
Ông cho biết bộ đang xin cơ chế giá dịch vụ với mỗi dự án 24 năm. Hiện Chính phủ thống nhất trình thu phí kín để tránh tình trạng thu phiếu hở đi bao nhiêu tính bấy nhiêu.
“Giá tính là 2.500 đồng/km, các cao tốc hiện nay thu phí khoảng 1.500/km, nhưng theo thời gian tăng lên hết. Dự án BOT Bắc - Nam 24 năm, theo tính toán của bộ để thu hút được nhà đầu tư, xây dựng mức giá bình quân cho cả một đời là 2.500/km/xe con”, Tư lệnh ngành GTVT cho hay.
Ông cũng lưu ý: “Chúng ta làm tốt mà dân không đi thì lãng phí, dồn lên QL 1, gây ùn tắc” và bày tỏ mong muốn QH, ĐB ủng hộ.
“Có thể bây giờ giá như thế là cao nhưng 24 năm sau kinh tế phát triển thu 3.400 đồng có khi lại quá nhỏ”, Bộ trưởng GTVT thuyết phục và cho rằng phương án này mới có khả năng huy động được 70.000 tỷ làm 654 km từ nay đến năm 2020 khả thi.
Lên phương án thu phí cao tốc Bắc - Nam
Sau khi cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác, giá thu qua đầu phương tiện tăng dần từ 1.500 đến 3.400 đồng/km.
Đề nghị làm rõ xây cao tốc Bắc-Nam bằng BOT
Do đầu tư BOT còn nhiều bất cập, UB Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý các tồn tại cũ trước khi chốt đầu tư 8/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam theo hình thức này.
Lấy đâu 118.000 tỷ đồng làm cao tốc Bắc - Nam?
Để đầu tư 654 km đường cao tốc Bắc – Nam cần phải huy động 118.000 tỷ đồng. Làm thế nào để có thể huy động đủ nguồn lực để đầu tư?
2019: Khởi công cao tốc Bắc - Nam
Theo phương án điều chỉnh vừa được Bộ GTVT trình Quốc hội, giai đoạn 2017-2020 sẽ tập trung đầu tư xây dựng 654km cao tốc Bắc - Nam.
Cao tốc Bắc - Nam: Bao giờ mới làm?
Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch trình Quốc hội làm 713km đường cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn 2017-2020.
Thu Hằng - Hương Quỳnh