Nhận định về những thời cơ trong nhiệm kỳ tới tại Quốc hội sáng nay (29/3), ĐB Hoàng Văn Cường cho biết, chuyển đổi số sẽ biến những vấn đề phức tạp, làm đau đầu các nhà quản lý thành nguồn lực cho đất nước.

Ông dẫn dụ nếu chuyển đổi số toàn bộ thông tin về quản lý đất đai và chuyển thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đất đai cho người dân tự thực hiện thì "cơn sốt" đất đai từ đầu năm đến nay sẽ mang lại cho ngân sách một nguồn thu rất lớn từ các giao dịch bán đi bán lại.

{keywords}
ĐB Hoàng Văn Cường

Ngoài ra, chuyển đổi số sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen và vị trí của người quản lý trong bộ máy nhà nước. Người quản lý không còn ngồi chờ DN đến để yêu cầu giải quyết mà phải dựa vào thông tin được số hóa của DN để phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh, hoặc phải giải quyết để đáp ứng những yêu cầu cho DN. Đó chính là cơ sở để chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, tạo đột phá về thể chế trong quản lý.

ĐB nói về viễn cảnh tương lai, nếu chuyển đổi số thành công, với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngồi ở Việt Nam có thể tương tác, giải quyết những công việc như đang ngồi ở văn phòng ở bất kể một công ty nào ở một quốc gia khác thế giới.

Khi đó thì Việt Nam không chỉ là "cái bếp" của thế giới như lời khuyên của Philip Kotler mà Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến trong buổi phổ biến nghị quyết ngày hôm qua (28/3), mà Việt Nam có thể trở thành công xưởng ngành công nghệ điện tử - tin học của cả thế giới.

Ông Cường nhận định: "Đây là nơi để các nhân viên văn phòng ở nhiều nước trên thế giới có thể tránh những mùa đông băng giá, chuyển đến Việt Nam vừa tắm biển, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản của Việt Nam, vừa thực hiện các công việc văn phòng trong môi trường kinh tế số".

Cùng đặt vấn đề về áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM) nêu về lĩnh vực lao động - việc làm, đây là một trong những nhân tố quan trọng đưa nền kinh tế phát triển.

{keywords}
ĐB Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở KHĐT TP.HCM

Giai đoạn 2011-2015 năng suất lao động chỉ đạt là 4,35%, năm 2016 và 2020 đạt 5,8%; tuy nhiên vẫn còn thấp. Theo ông Tuấn, muốn cải thiện tốt năng suất lao động, cần phải đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới mô hình tăng trưởng theo kinh tế số và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất. Chú trọng đến khâu nghiên cứu, phát triển.

ĐB nêu thực tế, nghiên cứu phát triển của chúng ta chưa được đa số các tổ chức, DN chú trọng đầu tư, ngân sách dành cho khoa học, công nghệ còn khiêm tốn, thấp hơn 2% GDP, thấp hơn mức bình quân của thế giới.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn dắt trong tăng trưởng nhưng năng suất lao động chỉ tập trung ở những sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ còn thấp, hay chỉ ở mức trung bình, tỷ trọng công nghệ cao trong công nghiệp chế biến còn thấp chỉ trên 12%.

Khu vực có vốn nước ngoài lại hoạt động ở chủ yếu tập trung còn ở khâu lắp ráp, nhập linh kiện có giá trị gia tăng trong nước tương đối thấp, chưa tạo động lực lan tỏa cho khu vực trong nước phát triển nên chưa thể có sự đột phá về nâng cao năng suất lao động.

Phó Giám đốc Sở KHĐT TP.HCM cho rằng, các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại lực lượng lao động trong nền kinh tế là một trong những giải pháp cần quan tâm tiếp tục triển khai trong thời gian tới để tạo động lực cho sự phát triển năng suất lao động cho nền kinh tế.

Toàn văn bài phát biểu của ĐBQH Hoàng Văn Cường trước Quốc hội về chuyển đổi số ngày 29/3. Xem TẠI ĐÂY

Trần Thường - Thu Hằng

25 chức danh lãnh đạo được Quốc hội bầu và phê chuẩn

25 chức danh lãnh đạo được Quốc hội bầu và phê chuẩn

Từ hôm nay 30/3, Quốc hội bắt đầu tiền hành làm công tác nhân sự để kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo Nhà nước.