Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 9/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã trả lời nhiều câu hỏi của ĐBQH liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh.
ĐB Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) đặt câu hỏi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: "Năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã ký ban hành quyết định số 1380 phê duyệt đề án liên thông các thủ tục đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí. Đến thời điểm hiện tại, đề án này đã được triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả thế nào?".
ĐB Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) |
Người dân phải đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục
Trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay, câu hỏi này, tại kỳ họp thứ 6, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) đã chất vấn ông “công việc này có làm được không, bao giờ có sản phẩm?”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trước khi Thủ tướng phê duyệt đề án liên thông TTHC đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất thì có rất nhiều bất cập mà người dân và báo chí đã nêu. Ngay cả vấn đề người dân đến các cơ quan Nhà nước đều phải khai những thông tin rất trùng lặp, từ họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, nơi cư trú…
“Người dân phải đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục. Ngay cả người dân khi đến khai tử cũng quên hoặc ngại việc xoá đăng ký thường trú từ đó xảy ra việc người đã chết rồi vẫn có tên trong danh sách đi bầu trưởng thôn, xóm. Ví dụ tại xã Chu Minh huyện Ba Vì năm 2017, có nhiều người chết vẫn nằm trong danh sách cử tri đi bầu trường thôn, xóm”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Chủ nhiệm VPCP cho biết, sau một thời gian thực hiện đề án, đến nay đã có sản phẩm và cơ bản 63/63 địa phương đã thực hiện việc này. Sự phối hợp của các bộ Tư pháp, Công an, BHXH đã thực hiện rất tốt.
Người dân chỉ cần đến một nơi là UBND xã, nộp 1 bộ hồ sơ để thực hiện 3 TTHC liên thông. Đến nay đã có gần 354.846 TTHC, đã giải quyết được 350.400 TTHC, còn nợ đọng 2.352 thủ tục quá hạn (0,67%). Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực giải quyết những vấn đề còn lại.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
“Làm được việc này, sơ bộ mỗi năm tiết kiệm 38,8 tỉ đồng. Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm và thúc đẩy, thực hiện theo Nghị định 45 của Chính phủ làm TTHC trên môi trường điện tử”, Bộ trưởng nói.
Đồng thời tiếp tục mở rộng cơ chế liên thông, nhất là liên thông trong giải quyết TTHC. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng Bộ Công an, Tư pháp và các cơ quan thúc đẩy địa phương…”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cam kết.
Tiết kiệm 6.700 tỷ đồng/năm từ Cổng dịch vụ công quốc gia
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng) về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, thời gian qua, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, việc cắt giảm thủ tục chính là bước đi đúng và rất thực chất. Cụ thể, đến nay đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 thủ tục kinh doanh…
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng) |
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận thủ tục vẫn còn rườm rà, phức tạp, có những trường hợp cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác. Cắt điều kiện kinh doanh này lại chuyển sang thành tiêu chuẩn và quy chuẩn, từ đó gây rào cản gây khó khăn cho người dân.
Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục rà soát lại. Trước hết, chúng ta phải kiểm soát ngay từ khâu dự thảo, phải nâng cao chất lượng dự thảo. Cùng đó, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa trong việc để các doanh nghiệp, người dân giám sát và quan trọng là phải thực hiện được quy trình về thủ tục hành trình, làm sao để thực sự cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc và xử lý hồ sơ trên điện tử theo Nghị định 45. Thứ tư, huy động sự tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách hành chính.
Trả lời câu hỏi của ĐB Mai Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) về dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi nhiều quy định, giá trị truyền thống, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, thời gian vừa qua, chúng ta đã biết đến một cách rõ rệt hơn khái niệm “nền kinh tế không tiếp xúc”, giao dịch không tiếp xúc...
Theo Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhiều dịch vụ công và thủ tục hành chính đã được giải quyết không qua tiếp xúc giữa người thực hiện và cơ quan hành chính nhà nước.
Cổng Dịch vụ công quốc gia là “một cửa duy nhất” trên môi trường điện tử kết nối, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Sau gần một năm thực hiện (được khai trương từ ngày 9/12/2019), Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp gần 2.200 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số gần 7.000 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.
Sau hơn 9 tháng kể từ ngày khai trương, ngày 19/8/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt mốc 1.000 dịch vụ công. Đến tháng 10 đạt thêm 1.000 dịch vụ công nữa.
"Như vậy, trong gần 2 tháng, số dịch vụ công đã tăng trên 400% so với 9 tháng trước đó; Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là trên 6.700 tỷ đồng/năm", ông Dũng nói.
Sau gần 8 tháng triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối với 10 ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán trực tuyến qua tài khoản/thẻ ngân hàng với 40/46 ngân hàng.
Thu Hằng - Trần Thường
Tổng thanh tra Chính phủ: Đánh giá tình hình tham nhũng hết sức khó khăn
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, việc đánh giá tình hình tham nhũng “hết sức khó khăn, mang tính trừu tượng”.