- Không ai biết việc bà Nguyệt Hường đăng ký quốc tịch nước ngoài cho đến khi có kết quả bầu cử - Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị tổng kết bầu cử hôm nay, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Thông tin bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có hai quốc tịch là do cơ quan chức năng cung cấp cho HĐ Bầu cử quốc gia sau phiên họp thứ 7 của HĐ.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Hoàng Long |
"Thông tin này là hoàn toàn bất ngờ. Việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đăng ký một quốc tịch nước ngoài, không ai biết cho đến khi đã hoàn thành bầu cử, có kết quả", ông Hạnh Phúc cho biết.
Ngoài ra, bà Nguyệt Hường cũng có đơn xin rút gửi ngay sau phiên họp thứ 7. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đơn chỉ ghi lý do xin rút là tự nhận thấy không có đủ điều kiện thực hiện trách nhiệm của ĐBQH.
Cho đến giờ phút này, việc vi phạm luật Quốc tịch là nguyên nhân duy nhất khiến bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị mất tư cách ĐBQH.
Tổng thư ký QH nhận định có thể do hiểu chưa đúng về quy định trong luật Quốc tịch mà một số người cho rằng việc có một quốc tịch khác sau khi đã có quốc tịch VN không phải là vi phạm.
Trong hồ sơ ứng cử ĐBQH cũng không có mục kê khai quốc tịch nên không thể nói là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã kê khai không trung thực.
Được biết, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là ứng viên ĐBQH do MTTQ giới thiệu, thuộc cơ cấu doanh nghiệp, ứng cử tại thành phố Hà Nội.
Cũng giống trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, việc xem xét không công nhận tư cách ĐBQH của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là do những phát sinh trong vòng 35 ngày sau khi công bố danh sách trúng cử theo luật Bầu cử.
"Khác nhau ở chỗ ông Trịnh Xuân Thanh là có đơn thư khiếu nại và do báo chí nêu sai phạm. Còn bà Nguyệt Hường là do cơ quan chức năng phát hiện vi phạm", ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Sau hai trường hợp này, việc rà soát sẽ được tiếp tục cho đến khi hết nhiệm kỳ. Nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành miễn nhiệm như các trường hợp ĐB Đặng Thị Hoàng Yến và Châu Thị Thu Nga ở khóa 13.
Chung Hoàng (ghi)