Trả lời báo chí bên là QH sáng nay về việc điều chỉnh tuổi hưu theo dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tác động như thế nào đến công tác quy hoạch cán bộ, Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi khẳng định công tác quy hoạch cán bộ đương nhiên sẽ cộng thêm hoặc giảm bớt thời gian tương ứng với việc điều chỉnh tuổi hưu.
Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi |
"Đến năm 2020, giả sử theo phương án 1 trong dự thảo, tất cả những người cộng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ thì đương nhiên công tác quy hoạch của những người giữ chức vụ lãnh đạo đó sẽ được cộng thêm thời gian tương ứng", ông Lợi nói.
Theo Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội, vấn đề tăng tuổi sẽ có tác động đến chuyện thay thế đội ngũ cán bộ quản lý lãnh đạo.
"Bảo không là không đúng, tất nhiên, tác động rất chậm. Ví dụ, anh nâng 1 tuổi, tác động ngay 1 năm, nâng 3 tháng thì chỉ tác động 0,4 năm. Sự tác động này chậm hơn, có thể đáp ứng được nhu cầu", ĐB phân tích.
ĐB tỉnh Thanh Hóa cũng lưu ý, Chính phủ phải nghiên cứu triệt để một số quy định của Đảng, Nhà nước về việc giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ để vận dụng một thời gian, đỡ căng thẳng câu chuyện giữ ghế khi tăng tuổi hưu.
Còn đối tượng nâng lên của nam từ 62 lên 67 và của nữ giới từ 60 lên 65 thì vẫn quy định như hiện hành. Tức là được kéo dài thêm 5 năm nhưng lúc đó, năng lực, khả năng, sức khoẻ, trí tuệ để lãnh đạo có thể bị hạn chế thì những người này không giữ vị trí lãnh đạo nữa, chỉ tập trung làm chuyên môn, tạo cơ hội cho lớp trẻ.
'Trong Bộ Chính trị có bác hơn 65, 67 tuổi phải giữ lại'
Còn những người thực sự có tài, cơ quan đơn vị có nhu cầu, Đảng có đề xuất, người ta có nguyện vọng thì có thể giữ lại. Đây phải là những trường hợp hết sức đặc biệt, coi là nhân tố trí tuệ cao.
"Như trong Bộ Chính trị, có những bác hơn 65, 67 tuổi, phải giữ lại vì đây là những nhân cốt của lãnh đạo. Thứ hai, không phải họ thích làm mà đây là nhu cầu của Đảng đồng thời có trí tuệ và có tín nhiệm với nhân dân", ông Lợi lý giải.
Trả lời về việc tăng tuổi nghỉ hưu có "ngáng chân" giới trẻ, ĐB tỉnh Thanh Hóa cho rằng khi ra trường, sinh viên xuất sắc không phải đưa vào theo chỉ tiêu kế hoạch của thời bao cấp mà đều phải qua thi tuyển, tuyển chọn, không phải phân bổ nên không thể nói mất cơ hội.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng nhấn mạnh, nếu không có chỗ để ngồi thì các cháu cũng không thể thi. Đây cũng là chuyện phải bàn.
"Tôi vẫn mong muốn tuân thủ chính sách giữ chức vụ lãnh đạo không quá 2 nhiệm kỳ. Những người ở lại kéo thêm sau 5 năm thì chủ yếu làm chuyên môn", ĐB Lợi đề xuất.
Ông giải thích thêm, người ngoài nhìn vào thì nghĩ việc nâng tuổi hưu lên 5 năm thì sợ các lãnh đạo ngồi giữ ghế nhưng Đảng đã quy định không giữ vị trí quá 2 nhiệm kỳ.
"Như tôi đã nói ở trên, nếu anh ở lại thì chỉ nên làm chuyên môn, làm chuyên gia, còn nếu làm quản lý thì phải trường hợp thật sự đặc biệt, cơ quan tổ chức đó cần và không có người thay thế. Người nào biết làm lãnh đạo, giỏi làm lãnh đạo thì cũng biết kết thúc lúc nào", ông Lợi nhấn mạnh.
Nhiều cán bộ nữ bị ra khỏi quy hoạch ở tuổi 45 vì trần tuổi hưu
Quy định trần tuổi nghỉ hưu như hiện nay dẫn đến nhiều câu chuyện ở các tỉnh thành, cán bộ nữ mới 45 tuổi gần như ra khỏi quy hoạch.
Thu Hằng