Thảo luận tại QH về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết dự án này phải tạo động lực cho Việt Nam cất cánh, vươn cao, thoát bẫy thu nhập trung bình. Nhưng nếu làm không tốt sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án trùm mền, đắp chiếu đang tồn tại.
Vì vậy, ông đề nghị phải bảo đảm gia tăng 4 tiêu chí: Tăng hiệu quả kinh tế, tăng ổn định xã hội, tăng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng trình độ công nghệ.
“Dự án phải là một phần thưởng quý báu, không thể là một di sản 'bỏ thì thương, vương thì tội' trên vai các thế hệ mai sau”, ĐB Nghĩa nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Không để nhóm lợi ích, sân sau chi phối dự án |
Cần đánh giá hiệu quả nợ công
Ông Nghĩa tán thành chủ trương giao cho các nhà đầu tư trong nước, nhưng về vốn sẽ phải sử dụng cả tư nhân và đầu tư công, bao gồm vốn tự có, vốn ngân sách, vốn vay trong nước và nước ngoài; cần có chủ trương, chính sách cụ thể, thông minh và chặt chẽ. Nếu cần tăng nợ công thì vẫn nên tăng, bởi vì nợ công mọi quốc gia không phải là mức trần mà là hiệu quả.
Tuy nhiên, ông cảnh báo, thu hút không khéo thì toàn bộ lợi nhuận về tay tư nhân hết và lỗ thì nhà nước gánh.
“Nếu có chủ trương hợp lý, minh bạch, tạo được niềm tin thì hoàn toàn có thể huy động vốn nhàn rỗi của người dân ở trong nước và hải ngoại”, ông Nghĩa nói.
Những điều nhất định phải bảo đảm là: pháp luật nghiêm minh, không tham nhũng, lãng phí, không bị lợi ích nhóm và lợi ích sân sau chi phối.
Nguyên tắc thứ 2 là chất lượng cao và trình độ công nghiệp đuổi kịp, đón đầu thế giới, phải cạnh tranh rất mạnh với sân bay khác trong khu vực nếu không sẽ lỗ nặng.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nhất trí với phương án sử dụng vốn đầu tư DN trong nước kết hợp nguồn xã hội hóa dưới hình thức công-tư.
Tuy nhiên, ĐB đề nghị chỉ rõ hơn về khả năng huy động vốn với các tổ chức đã cam kết hoặc thỏa thuận, tác động của việc huy động vốn đến các hoạt động cho vay khác để phát triển kinh tế cũng như tác động đến trần nợ công đối với các khoản vay yêu cầu Chính phủ phải bảo lãnh.
ĐBQH bàn luận về dự án sân bay Long Thành bên hành lang QH |
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền, trong khi hiện tại chỉ có 8 cảng có lãi, 13 cảng còn lại vẫn phải bù lỗ.
ĐB lo lắng về số vốn dự kiến gần 5 tỷ USD có thể huy động được các nguồn vốn khác. Nếu không thu xếp được vốn, đồng nghĩa với việc để triển khai hoàn thành cả công trình sẽ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của công trình.
Ông so sánh tổng mức đầu tư 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng - Bắc Kinh có công suất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỷ USD; sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỷ USD.
“So với Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa và vốn đầu tư là 16 tỷ USD”, ĐB Thành so sánh.
Không sân bay nào hiệu quả tốt như Long Thành
Nhắc đến khoảng vay 2,628 tỷ USD của ACV khi thực hiện dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng DN này do Nhà nước chi phối nên mặc nhiên Chính phủ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính chủ yếu, trong trường hợp ACV không trả được nợ.
ĐB Hà Sỹ Đồng: Khả năng vay thương mại nước ngoài của ACV khả thi |
Ông cũng nhìn nhận, khả năng vay thương mại nước ngoài của ACV kỳ hạn 15 năm, ân hạn 5 năm với lãi suất từ 5-5,5%/ năm có tính khả thi.
“Một dự án quan trọng tầm quốc gia được ACV làm chủ đầu tư do Chính phủ chỉ định thầu, giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
ACV cũng đang thực hiện đánh giá, xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới, nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu. Chính các ngân hàng lớn trong nước cũng rất mong muốn được tham gia đồng thu xếp vốn cho ACV”, ĐB Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Giải trình các vấn đề, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Không có sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1, giai đoạn 2”.
Bộ trưởng so sánh Cần Thơ xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm. Lượng khách qua sân bay Vân Đồn trong năm đầu cũng rất thấp.
“Riêng sân bay Long Thành sẽ đảm bảo lượng khách tới 25 triệu người/năm. Đến năm 2030 sẽ là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm. Tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao”, Bộ trưởng Thể nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể |
Về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng GTVT cho hay, trong hơn 1 năm qua, liên doanh tư vấn Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Việt Nam đã tập trung cao độ để hoàn thành dự án.
“Chúng tôi cố gắng rà soát làm sao đảm bảo tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế, không có lãng phí và trượt giá như những dự án khác”, Tư lệnh ngành GTVT lạc quan nói.
ACV có khoảng 25 nghìn tỷ đồng, trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng. Kế hoạch từ nay đến 2025, ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.
Phần vốn còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm.
“Hiệu quả kinh tế của dự án rất cao, nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn yên tâm hỗ trợ ACV” - Bộ trưởng cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.
Thu Hằng - Trần Thường - Ảnh: Minh Đạt
Kiểm soát từ giai đoạn thiết kế sân bay Long Thành để không mất tiền, cán bộ
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm tra, kiểm soát dự án sân bay Long Thành ngay từ đầu để không mất tiền của nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý, mất cán bộ.