Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức được Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày sáng nay tại QH.

Ông Định cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng đề nghị quy định rõ trong luật hình thức kỷ luật phải đi kèm theo hệ quả pháp lý nhất định về vật chất, tinh thần.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định

Một số ý kiến khác đề nghị trong luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể cả về hình thức kỷ luật.

UBTVQH cho rằng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Do đó, xin được quy định trong luật nguyên tắc chung trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.

“Đối với từng hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, xóa tư cách thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng”, ông Định nói.

Trước một số ý kiến cho rằng, cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu không còn là cán bộ, công chức nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này, UBTVQH giải trình, thực tiễn một số luật hiện hành cũng có quy định điều chỉnh như luật Cơ yếu; luật Phòng, chống tham nhũng…

“Dự thảo luật, tuy là xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng hành vi vi phạm bị xử lý là hành vi xảy ra trong thời gian người đó đang còn công tác (đang là cán bộ, công chức) và vẫn còn trong thời hiệu xử lý theo quy định”, báo cáo nêu.

Vì vậy, theo UBTVQH, việc quy định về vấn đề này trong luật Cán bộ, công chức theo hướng áp dụng quy định của luật Cán bộ, công chức đối với đối tượng khác (cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu) là phù hợp.

Đề nghị giữ hình thức kỷ luật “giáng chức”

Chủ nhiệm UB Pháp luật cũng cho hay, trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị giữ hình thức kỷ luật “giáng chức” như quy định hiện hành.

UBTVQH nhận thấy, hình thức kỷ luật “giáng chức” vừa có tính răn đe vừa phù hợp với tính chất và mức độ vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức.

Trong thực tế, có trường hợp vi phạm pháp luật, công chức đã bị giáng chức từ giám đốc xuống phó giám đốc, từ trưởng phòng xuống phó trưởng phòng hoặc trong lực lượng vũ trang, việc kỷ luật hạ cấp bậc quân hàm đối với người đang có chức vụ đều có gắn với giáng chức hoặc cách chức.

Thời gian tới, khi thực hiện chế độ tiền lương mới gắn với việc thực hiện trả lương theo vị trí việc làm thì việc áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức (có thể bị giáng chức xuống một hoặc nhiều bậc, theo đó bị hạ lương) càng mang tính răn đe cao.

Do đó, UBTVQH xin được giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức” trong luật như đa số ý kiến ĐBQH.

Kỷ luật công chức về hưu: Ta đang bí, Đức xử ngon ơ

Kỷ luật công chức về hưu: Ta đang bí, Đức xử ngon ơ

Việt Nam và Đức đều có luật Cán bộ, công chức nhưng việc quy định kỷ luật những người này khi về hưu ở mỗi nước lại khác nhau.

Hương Quỳnh