XEM VIDEO:
Quốc hội sáng nay (27/7) thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
ĐB Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) đề nghị cần tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới mang tính bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tỷ lệ phấn đấu, có ít nhất 60% thôn, bản, ấp thuộc xã đặc biệt khó khăn hoàn thành nông thôn mới, ông cho rằng cần phải rà soát lại tiêu chí này, bởi chưa có đánh giá kết quả xây dựng thôn, bản, ấp trong thời gian vừa qua.
ĐB Mai Văn Hải |
Ông cũng đề xuất với Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
ĐB Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) đánh giá sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả toàn diện. Bộ mặt nông thôn cả nước đã có những khởi sắc rõ rệt. Hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện. Kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực..
Ông đề nghị Chính phủ quan tâm hơn vì mục tiêu cao nhất của việc xây dựng nông thôn mới là xây dựng nông thôn trở thành những miền quê đáng sống, thu nhập đời sống vật chất, tinh thần của người dân phải được nâng lên.
Từ thực tiễn địa phương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị sớm ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, ưu tiên đầu tư hạ tầng cho các xã xây dựng nông thôn mới. Song song với đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư cho phát triển sản xuất phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu là để thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao, bền vững, giúp cho nông dân làm giàu trên chính mảnh đất nông nghiệp, trên quê hương của mình.
ĐB Nguyễn Văn Thi |
Trong chủ trương đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề xuất cần có dự báo về KTXH chung của quốc gia, sự hội nhập quốc tế, sự biến đổi về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, văn hóa làng xã, tốc độ đô thị hóa, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc biệt là đại dịch Covid-19...
Mục tiêu của chương trình, theo ông cũng cần xem xét lại mục tiêu phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới, bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ông đề nghị chỉ nên đưa ra mục tiêu khoảng 40% cho khu vực này để tiếp tục phát triển bền vững, từng bước nhân rộng và phát triển ở cả giai đoạn tiếp theo. Hạn chế chạy theo phong trào.
Nêu cơ cấu nguồn vốn, dự kiến vốn đầu tư phát triển khoảng 30.000 tỷ, vốn sự nghiệp khoảng 9.632 tỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị tăng tỷ lệ vốn sự nghiệp cho chương trình. Vì trong giai đoạn qua chương trình đã tập trung nhiều cho đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Giai đoạn tới các địa phương có thể phát huy nội lực, huy động sức dân đấu giá đất để đầu tư cơ sở hạ tầng.
ĐB Hà Sỹ Đồng |
Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới khó khăn nhất hiện nay vẫn là nâng cao thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, liên doanh, liên kết, phát triển hợp tác xã, thực hiện chương trình OCOP, nước sạch, đào tạo nghề, duy tu, bảo dưỡng công trình, thiết chế văn hóa giáo dục...
Xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt của nông thôn
Giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết mục tiêu cuối cùng của chương trình nông thôn mới là làm sao nông thôn là nơi đáng sống, nơi đáng tìm đến và nơi quay về.
Ông bày tỏ: "Hình ảnh xúc động những ngày Covid-19 vừa rồi, hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu người từ các thành thị trở về nông thôn để tránh dịch, điều đó nói lên một cảm xúc cho chúng ta về nông thôn trong thời gian sắp tới".
Nhắc đến tính bất cập trong thực hiện chương trình, đặc biệt là sự trùng lặp nội dung, ông Hoan khẳng định chương trình nông thôn mới sẽ phủ sóng ở 63 tỉnh thành, không để trống bất kỳ một địa phương nào.
Liên quan tới thu nhập người dân, sinh kế của người dân, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng một trong những "cái bẫy" trong thời gian vừa qua chính là từ tên của chương trình là “xây dựng nông thôn mới”.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giải trình trước Quốc hội. |
Các địa phương nhất là ở cấp cơ sở cho thấy chữ "xây dựng" nghĩa là thiên về hạ tầng, cầu, đường, trụ sở,... Trong khi lại thiếu quan tâm tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế.
"Nếu 5 năm trước trồng 1 ha lúa, 5 năm sau cũng trồng 1 có ha lúa như truyền thống thì không thể nào tăng thu nhập lên 1,5 lần. Nếu hỗ trợ cho người dân vay tiền để giảm nghèo, sản xuất ra một mặt hàng nào đó mà không kết nối được bà con tới thị trường thì cũng không thể nào nâng cao thu nhập gấp 1,5 lần", ông ví dụ.
Do đó, bên cạnh phát triển hạ tầng để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với tiện ích của đô thị, thì phải chú trọng hơn "những giá trị mới".
Về giải pháp, ông nêu, phải gắn kết được cơ cấu lại ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại nông nghiệp chính là động lực để xây dựng nông thôn mới là nền tảng và nông dân là chủ thể.
"Những giá trị mới" theo ông Hoan là xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt của nông thôn.
Ông giải thích: "Hồn cốt là hình thành không gian sống và không gian sản xuất cả nghìn năm nay, phải xem đó là một tài nguyên để giữ gìn, bên cạnh việc tạo ra một hồn cốt mới để đáp ứng nhu cầu của đô thị".
Nông dân làm chủ thể thì phải tiếp cận được ánh sáng tri thức, tiếp cận được những điều mới mẻ, biết hợp tác với nhau, biết làm chủ vận mệnh. Trong dịch Covid-19 phải giãn cách, Bộ trưởng dẫn chứng đã có vài nông dân biết lên mạng để bán hàng cũng đã là thay đổi.
Xây dựng cơ sở hạ tầng cần một nền móng chắc, từ đây Bộ trưởng cho hay: "Xây dựng nông thôn mới cũng cần phải một nền tảng từ chủ thể là người nông dân thì mới bền vững, được tri thức hóa, được thay đổi thì nông thôn mới phát triển bền vững".
Trần Thường - Thu Hằng
Thủ tướng: Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm
“Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho họ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.