Với tỷ lệ 445/451 đại biểu có mặt (chiếm 92,13%) tán thành, chiều nay (19/6), Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Không tổ chức HĐND quận, phường
Theo đó, thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND thành phố; còn cấp quận và phường chỉ có UBND, không có HĐND.
Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1/7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Kết quả biểu quyết |
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi thông qua, Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND.
Về việc này, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương.
"Để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, UB Thường vụ Quốc hội xin phép chưa quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết", ông Tùng nói.
Để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận.
Đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.
HĐND thành phố lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch UBND quận
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; làm rõ cơ chế giám sát đối với chính quyền địa phương ở quận, phường và các cơ quan tư pháp.
UB Thường vụ QH tiếp thu ý kiến này theo hướng, mỗi ban của HĐND thành phố có không quá hai phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Theo ông Tùng, quy định như vậy nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi ban.
Nghị quyết cũng bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, TAND và VKSND quận; xem xét việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố đối với Chủ tịch UBND quận, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND quận.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường trong công tác nhân sự tại các điều 3, 4, 5, 6 và 7.
Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận, UBND phường.
Khi không tổ chức HĐND, UBND quận loại 1 có không quá 3 phó chủ tịch, quận loại 2 có không quá 2 phó chủ tịch. Đối với UBND phường loại 1 và loại 2 có không quá 2 phó chủ tịch; phường loại 3 có 1 phó chủ tịch.
Chủ tịch UBND quận có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND phường và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; ký các văn bản của UBND quận…
Thu Hằng
Đề xuất người dân Đà Nẵng được trực tiếp bầu Chủ tịch TP
QH sáng nay thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.