Theo Phó ban Công tác Đại biểu, việc đưa giới thiệu các ứng viên để bầu làm ĐBQH phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện. Đối với ĐBQH chuyên trách ngoài tiêu chuẩn chung thì phải đáp ứng các yêu cầu riêng và đều phải theo một quy trình chặt chẽ.

Không vì thiếu người mà 'vơ bèo gạt tép'

Do vậy với ý kiến phản ảnh có một số trường hợp được giới thiệu ứng cử ĐBQH chuyên trách là con em của lãnh đạo, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: “Chúng ta đừng có nặng nề vấn đề con em, quan trọng nhất là người ta đáp ứng được các tiêu chuẩn”.

{keywords}
Phó ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh

Phó ban Công tác Đại biểu nhấn mạnh, tất cả trường hợp nào không đầy đủ tiêu chuẩn chắc chắn Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ không bao giờ thông qua để đưa vào danh sách bầu. Từ nay cho đến ngày bầu còn phải qua vòng hiệp thương lần 3 và trước khi hiệp thương lần 3 phải lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

“Nếu như ứng cử viên không đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chắc chắn cử tri nơi cư trú sẽ ý kiến và không phải Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn đưa ai vào danh sách là đưa mà phải theo quy trình rất chặt chẽ”, ông Nguyễn Tuấn Anh phân tích.

Ông cũng thông tin thêm, sau khi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú sẽ gửi danh sách các ứng viên về MTTQ cấp tỉnh tập hợp đưa về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để hiệp y lần 3 rồi mới ra được danh sách các ứng viên chính thức.

Sáng nay (16/4), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 3 để lựa chọn, lập danh sách những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Theo như danh sách sơ bộ được thông qua tại hiệp thương lần 2, các cơ quan Trung ương giới thiệu 205 người ứng cử ĐBQH khóa XV. Trong đó, khối các cơ quan Đảng giới thiệu 11 người; khối Chủ tịch nước giới thiệu 3 người; khối Chính phủ giới thiệu 15 người; khối Quốc hội giới thiệu 130 người...

“Chúng ta cũng không nên nặng nề con hay em của ai mà quan trọng nhất là người đó đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định”, Phó ban Công tác Đại biểu một lần nữa nhấn mạnh.

Ông cũng chia sẻ thêm, hiện đang rất là thiếu ĐBQH chuyên trách. Bởi bây giờ để “mời được một cán bộ ở các bộ, ban ngành về làm ĐBQH chuyên trách khó lắm”. Có những trường hợp yêu cầu phải ở chức danh này, chức danh kia người ta mới làm, nếu không thì người ta xin rút. Thực tế là làm ĐBQH chuyên trách trách nhiệm rất nặng nề nhưng chế độ hiện nay vẫn còn chưa tương xứng lắm.

“Chứ còn bảo rằng là con cháu thế nọ thế kia nhưng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì không đưa vào danh sách để bầu làm ĐBQH được. Để làm ĐBQH chuyên trách thì phải đáp ứng về tuổi tham gia 2 khóa, ít nhất trọn 1 khóa", ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin.

Ông cũng chỉ ra thực tế, có nhiều người có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực nhưng không đáp ứng đủ tuổi thì cũng không thể tái cử. Vì vậy với những trường hợp quá tuổi nếu muốn tham gia ĐBQH thì tự ứng cử hoặc phải tham gia một tổ chức xã hội nào đó để họ giới thiệu.

Phó ban Công tác đại biểu cũng khẳng định: “Bộ Chính trị đã nói, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Điều này cũng được Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Không vì thiếu người mà vơ bèo gạt tép".

Không có tình trạng chạy nơi ứng cử

Nói về việc phân bổ nơi ứng cử của các ứng viên, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, sau hiệp thương lần 3 mới biết được ứng cử viên nào được phân bổ ở đâu. Nguyên tắc phân bổ tương tự như nhiệm kỳ trước.

Thứ nhất là những người tái cử thì khóa trước ở đâu, thì lần này tiếp tục ưu tiên ở địa phương đó. Thứ 2, những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành thì có phân công của Bộ Chính trị thì Bộ Chính trị chỉ đạo rồi Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ có ý kiến.

“Theo chủ trương của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ được ưu tiên ở tỉnh nào gần phương tiện đi lại, vì các đồng chí bận nhiều việc. Các ủy viên Bộ chính trị khác cũng phải chia đều cho các tỉnh Bắc - Trung - Nam và có những đồng chí sẽ phải phân công ở vùng sâu, vùng xa để gắn bó, tạo điều kiện cho các tỉnh này”, Phó ban Công tác Đại biểu nói.

Tiếp đến mới ưu tiên cho các ứng viên ứng cử tại nơi từng công tác, quê quán.... nhưng phải xem xét trong tổng thể.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng khẳng định là “không có tình trạng chạy nơi ứng cử” bởi vì quy trình rất chặt chẽ nhiều vòng, nhiều bước không thể chạy được.

Theo Phó ban Công tác Đại biểu, sau hiệp thương lần 3, Ủy ban MTTQ Việt Nam sẽ gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố danh sách những ứng viên của Trung ương được chính thức đưa ra để bầu. Còn ủy ban bầu cử ở địa phương sẽ công bố người ứng cử ở địa phương. Sau khi có danh sách chính thức, các ứng viên mới được đi vận động đến trước 24h của ngày bầu cử (23/5). 

Trường hợp ứng cử như ông Nguyễn Thiện Nhân là tín hiệu tốt
Nói về trường hợp ông Nguyễn Thiện Nhân được giới thiệu ứng cử ĐBQH sau khi  thôi Ủy viên Bộ Chính trị, Phó ban Công tác Đại biểu cho hay: “Tôi công tác ở Quốc hội 7 khóa thì có lẽ đây là trường hợp đầu tiên. Nhưng lưu ý là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân là thôi Bộ Chính trị nhưng chưa nghỉ hưu”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, ông Nhân được Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giới thiệu ở chứ không phải Thành ủy. Vì nơi công tác của ông Nhân hiện nay là đoàn ĐBQH TP.HCM và ông hiện vẫn đang là Trưởng đoàn.
Tuy nhiên, dù ông Nguyễn Thiện Nhân đã thôi Bộ Chính trị nhưng khi ứng cử ĐBQH vẫn phải xin ý kiến Bộ Chính trị vì ông là nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị quản lý.
“Một người có tâm huyết như vậy thì ta nên ủng hộ vì họ từng trải qua các cương vị công tác ở cơ sở, ở Trung ương, địa phương đều có. Ông lại có bề dày lãnh đạo, nếu đủ điều kiện tham gia ứng cử thì theo cá nhân tôi ủng hộ. Đó là tín hiệu tốt”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Nói về trường hợp Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên không tham gia ứng cử ĐBQH, Phó ban Công tác Đại biểu cho rằng, việc đó không ảnh hưởng gì bởi vì việc tham gia ứng cử hay không ứng cử là do thường vụ TP HCM giới thiệu.
“Vai trò người đứng đầu quan trọng nhưng cái quan trọng là sức mạnh thể hiện ở sự đoàn kết của một tập thể. Khi giới thiệu nhân sự ứng cử không có nghĩa cứ phải là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thì mới làm tốt hơn”, Phó ban Công tác Đại biểu nhấn mạnh.
Theo ông, việc này còn căn cứ vào điều kiện thực tế của TP.HCM, Bí thư Thành ủy đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác, không có nhiều điều kiện tham gia thì họ cử người nào phù hợp để giới thiệu.
“Việc thành công hay thất bại của một địa phương là do tập thể Thường vụ Đảng ủy và tập thể Ban lãnh đạo các Bộ Ban ngành chứ không phải là một cá nhân”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh. 

Thu Hằng - Trần Thường

Trung ương "nhường" hai suất ĐBQH cho ngành y tế của Hà Nội, TP.HCM

Trung ương "nhường" hai suất ĐBQH cho ngành y tế của Hà Nội, TP.HCM

Tổng số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ 207 nhưng đến nay mới giới thiệu 205 ứng cử ĐBQH khóa XV.