ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết Quốc hội họp việc nước, bởi vậy cần có những người ưu tú, hiểu biết, tận tâm, tận lực và có đủ thời gian để thực thi cho được quyền lực đó.
Sẽ rất khó cho một ĐBQH, dù giỏi đến mấy nhưng ngồi họp phân tâm nghĩ đến những công việc quan trọng khác mà cá nhân họ đang là người phải gánh vác...
"Qua gần một khóa được làm ĐBQH, tôi thấy để làm tròn vai một ĐBQH không hề dễ, đặc biệt là cần phải có quỹ thời gian đủ để nghiên cứu tài liệu, tham gia hội họp, tham gia các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri" ông Trí nói.
Để có được ĐB như vậy ngay khi hiệp thương phải đề xuất người có đủ trình độ, năng lực, điều kiện và đặc biệt có đủ thời gian để làm ĐBQH. Khi ai đó được đề nghị tham gia Quốc hội thì cần lượng sức mình, lượng quỹ thời gian của mình, nếu thấy không đáp ứng được thì cũng nên mạnh dạn từ chối sự đề cử đó.
Phát biểu cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng Quốc hội với chức năng là cơ quan lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì ĐBQH phải am hiểu tình hình thực tiễn và có trình độ chuyên môn.
Bà Khánh đề nghị giảm hơn nữa số lượng ĐBQH kiêm nhiệm hoạt động trong các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp và các cơ quan tư pháp tham gia tố tụng TƯ, tăng thêm tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu là các luật gia, luật sư, các chuyên gia, các nhà khoa học.
Một vấn đề nữa bà Khánh băn khoăn là việc ĐBQH bị kỷ luật. Theo nữ ĐB, đây là vấn đề rất khó khăn, phức tạp.
“UB Kiểm tra Trung ương khi có yêu cầu phải kỷ luật một đại biểu nào đó là cả một vấn đề đau xót. Nhưng đến khi đưa sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì lại xử lý cho thôi làm đại biểu vì lý do sức khỏe”, bà Khánh nhận xét.
Cho rằng, dự thảo quy định chưa hợp lý, từ đó, bà Khánh đề nghị, sửa quy định tại Điều 54 về trách nhiệm của UB Thường vụ Quốc hội để bảo đảm đúng tính chất “kỷ luật thì phải bãi nhiệm”.
Đại biểu Quốc hội bây giờ xếp vào hàng gì
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt câu hỏi: “ĐBQH bây giờ xếp vào hàng gì trong hệ thống cán bộ của hệ thống chính trị?”.
Theo ông, hiện nay ĐBQH chúng ta chưa xếp vào hàng nào ở trong hệ thống cán bộ. Mỗi một dạng cán bộ, ngoài tiêu chuẩn chung phải có tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chuẩn cụ thể chính là yêu cầu rất quan trọng để lựa chọn những người đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn bố trí vào vị trí cán bộ.
Ông cũng nói thẳng, nếu chỉ có quy định tiêu chuẩn chung như hiện hành thì soi vào đâu chúng ta cũng tìm thấy ĐBQH.
ĐB Bùi Văn Phương |
ĐB cho rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, điều đó đòi hỏi các ĐBQH cũng phải có am hiểu tương đối toàn diện các lĩnh vực của đất nước, về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
“ĐBQH không thể nói là việc này không học, không làm nên em không biết, không tham gia được, không thể như vậy được, mà phải biết để tham gia”, ông Phương nói.
Theo ĐB, hiện nay TƯ Đảng đã có quy định tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh cán bộ thì ĐBQH cũng phải cần được quy định cụ thể, ngoài 5 tiêu chuẩn chung đã quy định.
Các tiêu chuẩn cụ thể ngoài 5 tiêu chuẩn chung được ông Phương nhắc tới: phải có am hiểu tương đối toàn diện các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện, có kỹ năng diễn đạt và biểu đạt ý kiến.
Để nâng cao chất lượng ĐB, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) đề nghị nên tăng tỷ lệ ứng cử trên trúng cử và tăng tính tranh luận về chương trình hành động của ứng viên để cử tri lựa chọn. Đồng thời mở rộng thành phần tham gia ứng cử từ các nhà quản lý, tri thức có uy tín, tâm huyết để giới thiệu nhiều nhân tài cho nhân dân chọn lựa.
Hương Quỳnh - Trần Thường
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hiện nay không ai dám làm sai
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, ngành đã có nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật là 'bài học hết sức đắt giá', hiện không cơ quan nào dám làm sai quy định.