Một trong những điểm mới của dự thảo luật này là khoản b, Điều 4 đã bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật.

Thảo luận về vấn đề này, ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng tính với dự thảo nhưng ông đề nghị cần phải làm rõ căn cứ xác định người chuẩn bị kết hôn là như thế nào, cần giấy tờ gì để chứng minh là người chuẩn bị kết hôn vì hiện tại pháp luật chưa quy định như thế nào là người chuẩn bị kết hôn.

{keywords}
ĐB Phan Thái Bình

Phân tích thêm ý kiến từ ĐB Quân, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu người chuẩn bị kết hôn thì rất nhiều, có người chuẩn bị 2-3 năm chưa kết hôn, có người chưa chuẩn bị gì cả nhưng cần phải kết hôn ngay.

"Bây giờ “người chuẩn bị kết hôn” là người như thế nào, có nhiều người đăng ký kết hôn nhưng lại không tổ chức kết hôn. Chỗ này phải nói rõ người chuẩn bị kết hôn là người đăng ký kết hôn hay như thế nào, chỗ này cần phải làm rõ nếu không khi áp dụng vào thực tiễn quan điểm sẽ khác nhau", ông Bình nói. 

Còn ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị nghiên cứu điều chỉnh thành “thông báo ngay" kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật. 

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) thì cho biết thực tiễn chỉ rõ những người dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy, dụng cụ bấm lỗ tai, dụng cụ xăm, thậm chí dùng chung dụng cụ y tế cũng có khả năng lây nhiễm cao.

Để phòng tránh lây nhiễm, theo bà Lan dự thảo cần được sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng được thông báo là người có hành vi sử dụng chung dụng cụ có khả năng lây nhiễm HIV.

Nữ ĐB đề nghị nên sửa khoản b, Điều 4 dự thảo luật thành: "thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục, người có hành vi sử dụng chung dụng cụ khả năng lây nhiễm HIV hoặc người chuẩn bị kết hôn với người mình biết theo quy định của pháp luật". 

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Long giải trình trước Quốc hội.

Giải trình trước Quốc hội, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long giải thích, cho đến thời điểm hiện nay theo báo cáo chung của Bộ Y tế thì số lượng người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đã tăng từ 40% năm 2011 lên tới 70% vào năm 2019.

Theo ông Long, quy định buộc người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết là “phù hợp để triển khai được các hoạt động phòng, chống AIDS trong tình hình mới”.

Bỏ Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV

Tại dự án luật này, Chính phủ đề xuất bãi bỏ Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội không đồng tình với đề xuất này. Theo Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, hiện nay nguồn lực dành cho công tác phòng, chống AIDS, đặc biệt nguồn viện trợ quốc tế liên tục giảm thì việc huy động nguồn nội lực là rất quan trọng.

“Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV có thể là một cơ chế tài chính thu hút nguồn lực xã hội cho phòng, chống HIV/AIDS. Ủy ban đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc bãi bỏ quỹ này”, bà Thúy Anh nói.

{keywords}
Bà Nguyễn Thúy Anh

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV là chính sách nhân văn nhưng từ khi có quỹ tới nay không huy động được nhiều, dù đã cố gắng.

Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ của Quỹ là chủ yếu tập trung hỗ trợ liên quan đến điều trị và cho đến thời điểm hiện nay, các chính sách của Nhà nước đã hỗ trợ và đã "bao phủ" được cho lĩnh vực này.

“Hiện nay, có thể dừng hoạt động của quỹ. Sau này, khi Bộ Y tế trình dự thảo luật Phòng bệnh sẽ đưa vào một quỹ chung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý quỹ”, ông Long nói.

Thành Nam 

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ: Nghị định 64 không áp vào cá nhân như Thủy Tiên

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ: Nghị định 64 không áp vào cá nhân như Thủy Tiên

Bên hành lang Quốc hội sáng nay (23/10), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu trao đổi về nhiều vấn đề trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp để cứu trợ người dân ở miền Trung.