XEM CLIP:
Theo ông Nguyễn Thanh Long, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, gây ra tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của các quốc gia trên thế giới, làn sóng dịch hiện nay đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch của các nước.
Từ khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch và đang trải qua đợt dịch thứ 4. Theo Bộ trưởng Y tế, thực tế đợt dịch sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn đợt dịch trước.
Với sự nỗ lực và tiếp tục quyết tâm cao, Bộ trưởng nhấn mạnh, các chủ trương, chính sách được triển khai nhanh chóng, quyết định kịp thời từ giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội, năng lực y tế, an sinh, an toàn trật tự...
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. |
Các tâm dịch ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã kiểm soát được ca nhiễm và ca tử vong. Dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát, đang thích ứng an toàn.
Báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng, chống dịch...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, để đối phó với đại dịch chưa từng có trong tiền lệ các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và liên tục điều chỉnh chính sách, chiến lược cho phù hợp.
Nêu về một số kết quả, ông Long cho hay, dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt đã huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia công tác chống dịch, phát huy được thế mạnh của hệ thống chính trị, huy động mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng chống dịch.
Nhiều kinh nghiệm quý báu với các giải pháp chuyên môn về phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ đã được áp dụng như cách ly, điều trị F0 tại nhà, xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động, trung tâm hồi sức tích cực... Bộ trưởng nhận định "chiến lược chống dịch luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn".
Huy động số lượng lớn các lực lượng y tế, quân đội, công an và lực lượng khác vào TP.HCM, các tỉnh phía Nam.
Thay mặt ngành y tế, Bộ trưởng chia sẻ với những mất mát, tổn thất nặng nề về người tại TP.HCM và các địa phương khác trong thời gian qua.
Về vấn đề vắc xin, Bộ trưởng thông tin đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ đưa vắc xin về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin cũng đang được triển khai rất thành công. Tính đến hết ngày 7/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Số lượng vắc xin hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin trong nước với 2 loại vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 3; 1 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới.
Ông Long nhìn nhận, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128.
Việc triển khai chủ trương này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.
Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ, các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.
Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Trần Thường - Hương Quỳnh
Ngoại giao vắc xin với mục tiêu bao phủ, tiêm miễn phí toàn dân
Nỗ lực ngoại giao vắc xin đã đặt những viên gạch vững chắc cho miễn dịch cộng đồng ở nước ta.