- Bộ trưởng GTVT cam kết, mức phí BOT cao tốc Bắc-Nam khởi đầu chỉ có 1.500 đồng/km/xe con, sau đó theo lộ trình tăng 200-300 đồng sau 2-3 năm.
Phát biểu thảo luận trước QH chiều nay về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nhiều ĐB trăn trở khi có tới 8/11 dự án thành phần được thực hiện bằng hình thức BOT.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, QH vừa thực hiện giám sát và chỉ ra hàng loạt hạn chế của hình thức này. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ trình biện pháp khắc phục các sai sót để đưa vào Nghị quyết của QH làm căn cứ triển khai.
Trong đó phải đảm bảo đấu thầu rộng rãi thay vì chỉ định thầu; chỉ áp dụng BOT với tuyến đường mới để đảm bảo lựa chọn người dân; quy định rõ vị trí đặt trạm, công nghệ thu phí minh bạch và đúng số km sử dụng...
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì lo lắng về nguồn vốn đầu tư khi cho rằng số tiền 118.700 tỷ đồng là chưa đủ, cần nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng “đầu chuột, đuôi voi” - phải xin thêm kinh phí.
Thu phí tự động, dân có thể đi đường cũ
Giải trình trước QH, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ rút kinh nghiệm từ việc thực hiện các dự án BOT trên QL1, khắc phục khiếm khuyết bằng cách tổ chức đấu thầu toàn bộ.
“Đấu thầu lần 1 không xong sẽ báo cáo Chính phủ, Thường vụ QH để tiếp tục đấu thầu lần 2. Tuyệt đối không chỉ định thầu”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Minh Đạt |
Ông Thể cho biết, khi hoàn thành dự án sẽ thực hiện thu phí kín và thu tự động để đảm bảo công khai minh bạch, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cũng như người dân.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng cam kết, các dự án sau khi đưa vào khai thác sẽ không tạo ra các điểm bức xúc cho người dân thông qua việc chỉ làm đường mới và tổ chức thu phí. Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi đường cao tốc, còn không có thể đi đường cũ hiện nay.
Về mức giá, Bộ trưởng GTVT cho biết, Chính phủ xây dựng mức giá bình quân cho 8 dự án BOT là 2.500 đồng/km/xe con 5 chỗ. Tuy nhiên mức giá này áp dụng ngay khi hoàn thành dự án sẽ rất cao so với mức chi trả của người dân.
Do đó để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km/xe con. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2 - 3 năm tăng 200 - 300 đồng và mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km.
Chính phủ cùng Bộ GTVT sẽ điều hành để đảm bảo lộ trình này, nhà đầu tư sẽ tính toán được rõ ràng nguồn thu.
Theo Bộ trưởng, nếu được QH thông qua chủ trương, trong năm 2018 Chính phủ phải phê duyệt được dự án đồng thời điều tra, khảo sát kỹ để tiến hành các bước, đảm bảo tới giữa 2019 có thể khởi công thì mới đảm bảo dự án hoàn thành vào năm 2021.
ĐB lo cao tốc Bắc - Nam sẽ đội chi phí
ĐB lo ngại việc triển khai quá nhiều dự án BOT trên cao tốc Bắc-Nam sẽ làm đội chi phí, chỉ nhà giàu, DN lớn mới lựa chọn.
Làm cao tốc Bắc - Nam mà chia mành mành 63 tỉnh sẽ không có gì
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói: “Nếu miếng bánh hiện nay chia mành mành ra 63 tỉnh thành thì cuối cùng không có gì cả”.
Lên phương án thu phí cao tốc Bắc - Nam
Sau khi cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác, giá thu qua đầu phương tiện tăng dần từ 1.500 đến 3.400 đồng/km.
Đề nghị làm rõ xây cao tốc Bắc-Nam bằng BOT
Do đầu tư BOT còn nhiều bất cập, UB Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý các tồn tại cũ trước khi chốt đầu tư 8/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam theo hình thức này.
Lấy đâu 118.000 tỷ đồng làm cao tốc Bắc - Nam?
Để đầu tư 654 km đường cao tốc Bắc – Nam cần phải huy động 118.000 tỷ đồng. Làm thế nào để có thể huy động đủ nguồn lực để đầu tư?
Thúy Hạnh