Phiên họp toàn thể của UB Kinh tế hôm nay thẩm tra, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Tóm tắt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong giai đoạn 1 của dự án sẽ báo cáo QH thông qua 3 nội dung chính.

{keywords}
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Đó là hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165ha lên 1.810ha, điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng; bổ sung 2 tuyến đường bộ kết nối cảng với hệ thống giao thông khu vực xung quanh.

Theo đó, dự án được chia làm 4 hạng mục và công trình phụ trợ. Trong đó, Chính phủ đề xuất giao Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục này. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho chủ trương về hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Chưa bao giờ QH chỉ định thầu

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Trường Giang băn khoăn việc Chính phủ đề xuất phương án chỉ định thầu là đúng quy định hay không? Bởi theo quy định, dự án này phải áp dụng phương thức đấu thầu.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Vì vậy, Chính phủ cần làm rõ nguyên tắc xin cơ chế chỉ định thầu và QH cũng chỉ quyết định về cơ chế chỉ định thầu, chứ không chỉ định thầu đối với từng đơn vị cụ thể như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ.

Ngoài ra, ông Giang cũng đề nghị trước khi trình QH quyết việc chỉ định thầu thì cần làm rõ việc này có tác động thế nào tới các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cũng như sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dự án.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng băn khoăn về việc Chính phủ kiến nghị giao giai đoạn 1 của dự án với tổng mức đầu tư 4,8 tỉ USD, tương đương 111.000 tỉ đồng cho ACV đầu tư các hạng mục chính.

“Như vậy là chỉ định thầu, trong khi theo luật Đấu thầu, dự án này phải tiến hành đấu thầu. Chưa bao giờ QH chỉ định giao cho một đơn vị cụ thể làm cái gì cả. Vậy có cần trình ra QH cái này hay không?”, ông Thanh thắc mắc.

Chủ nhiệm UB Kinh tế cũng lo lắng về việc AVC cũng đang đầu tư nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất, rồi sắp tới đây là sân bay Điện Biên thì liệu khả năng tài chính của ACV có làm được không?

"Chúng ta giao cho AVC giai đoạn 1 thì giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án có giao nữa không?", ông Thanh hỏi.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Ủy viên UB Kinh tế Trần Văn Tiến cũng cho rằng cần cân nhắc đề xuất QH chỉ định thầu cho DN cụ thể. “QH không chỉ định thầu, chỉ cho chủ trương hoặc cơ chế để Chính phủ làm việc đó”, ông Tiến nhấn mạnh.

Tính toán để đảm bảo quản lý, an toàn hàng không

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi làm việc với ACV hiện vốn Nhà nước chiếm trên 95% nhưng sẽ tăng lên gần 100% cùng với chủ trương tăng vốn nhà nước đầu tư một số đường băng tại các sân bay.

Đây là tổng công ty đang quản lý 21 sân bay trên toàn quốc, trong đó có 8 sân bay quốc tế và những sân bay quốc tế này không cổ phần hóa.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị ACV sẽ là đơn vị chủ lực để thực hiện dự án này. Nguồn lực ACV bố trí được vào dự án trong giai đoạn 1 là hơn 37%. Phần còn lại ACV sẽ huy động từ các tổ chức tín dụng, để ACV có thể thực hiện giai đoạn 1.

“Tổ chức nào làm cũng được, tuy nhiên nếu ACV làm thì sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho các nguyên thủ, lãnh đạo sẽ tốt hơn. Chúng ta vẫn phải huy động vốn từ bên ngoài, nhưng việc huy động này sẽ được tính toán để đảm bảo quản lý, đảm bảo an toàn cho cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước”, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.

Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD); thời gian thực hiện từ năm 2020-2025.  

Quy mô đầu tư giai đoạn 1, gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ, như hạ tầng khu bay, nhà ga hành khách, hệ thống điều hành bay, công trình phụ trợ, hệ thống giao thông kết nối trực tiếp với cảng.

Mục tiêu xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F - cấp cao nhất theo xếp hạng của Tổ chức Hàng không quốc tế, giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án.

Thu Hằng

Gần 111.700 tỷ khởi động xây dựng sân bay Long Thành vào năm sau

Gần 111.700 tỷ khởi động xây dựng sân bay Long Thành vào năm sau

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.