Tiên phong trong cải cách hành chính

Từ năm 2015, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước áp dụng thí điểm mô hình TTHCC với nguyên tắc 04 tại chỗ: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả ngay tại Trung tâm. Đây là kết quả của Đề án xây dựng chính quyền điện tử do UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2012, với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, tạo sự thuận lợi tốt nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Do mô hình còn mới mẻ, chưa có tiền lệ tại Việt Nam, tỉnh đã phân công đoàn cán bộ đi khảo sát và tiếp thu mô hình TTHCC của các nước phát triển như: Nhật Bản, Singapore, Trung Hoa,…Mô hình được xem là giải pháp thay đổi hữu hiệu cho việc cải cách hành chính, tăng sự minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị, giảm thời gian, phiền hà cho cá nhân, doanh nghiệp khi cần làm hồ sơ.

Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình TTHCC tại Quảng Ninh đã đạt được nhiều con số đáng khích lệ: các thủ tục hành chính được cắt giảm tới 45% thời gian giải quyết so với quy định; 1.193 thủ tục hành chính (chiếm 100%) được công khai tại TTHCC các cấp; thời gian giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt tỷ lệ 98,3%. Hơn thế nữa, mô hình TTHCC mà tỉnh khởi xướng đã được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tích cực hưởng ứng.

{keywords}
Người dân làm thủ tục tại TTHCC tỉnh Quảng Ninh

Anh Nguyễn Anh Dũng - trưởng bộ phận kiểm soát chất lượng của một doanh nghiệp ở thành phố Móng Cái chia sẻ: “Không còn phải kê khai hàng chồng hồ sơ giấy, không còn phải đi lại nhiều lần. Nhờ mô hình cải cách mới mà giờ tôi hầu như không phải mất thời gian đi lại để làm giấy tờ cho công ty, tiết kiệm được đáng kể thời gian, công sức và chi phí”.

Còn với chị Nguyễn Thu Hường - nhân viên công ty du lịch, cần thường xuyên làm các thủ tục thay đổi thẩm định cơ sở lưu trú, cấp đổi thẻ hướng dẫn viên. Nếu như trước đây chị Hường phải mất nhiều thời gian đi đến các cơ quan chức năng, thì từ khi làm thủ tục tại TTHCC tỉnh, thời gian làm hồ sơ, thủ tục rút ngắn khiến công việc của chị cũng thuận lợi hơn. Chị Hường cho biết: "Từ khi TTHCC tỉnh ra đời, tôi thấy việc tiếp cận với dịch vụ hành chính rất thuận lợi, thời gian thực hiện lại nhanh chóng, không phải mất công đi lại nhiều lần. Tôi rất hài lòng với sự đổi mới này”.

Nhảy vọt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Những năm gần đây, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước như: Sun Group, Vingroup, My Way, FLC, Amata, BIM Group… đã đầu tư vào Quảng Ninh với quy mô dự án lớn. Đây cũng chính là tín hiệu cho thấy Quảng Ninh đang trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà 2 năm liên tiếp 2017 và 2018 Quảng Ninh giữ vững vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, được đánh giá là "Ngôi sao cải cách".

{keywords}
 

 

{keywords}
Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI liên tiếp 2 năm 2017 và 2018

Ngoài ra, chỉ số về cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh có bước đột phá từ vị trí thứ 6 năm 2016, lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2017 với kết quả là 89,45/100 điểm. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) của tỉnh cũng luôn đứng tốp đầu toàn quốc. Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2017 đạt 92,88%, nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có điểm cao nhất nước.

Với những con số chứng tỏ thực lực đó, trong phiên làm việc vào tháng 9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ kỳ vọng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đi tiên phong, là bài học kinh nghiệm và nguồn cảm hứng mạnh mẽ về cải cách hành chính cho cả nước.

Không ngừng cải tiến

Đạt vị trí “quán quân”, nhưng Quảng Ninh vẫn luôn đặt mục tiêu phấn đấu, cố gắng không ngừng để giữ vững phong độ. Tỉnh xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin phải hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính, từng bước đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng thay đổi xu hướng từ hỗ trợ một cách bị động sang chủ động. Tỉnh thường xuyên nghiên cứu để nắm bắt nhu cầu, mong muốn của người dân, doanh nghiệp qua các chương trình cà phê sáng, gặp gỡ trao đổi tại các hội thảo cải cách, đồng thời triển khai ứng dụng Zalo hỗ trợ người dân trong khâu thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. 

Các cá nhân, doanh nghiệp sau khi nộp hồ sơ có thể tra cứu qua Zalo các thông tin như: cơ quan đang thụ lý hồ sơ, tình trạng xử lý, ngày nhận kết quả, giấy tờ còn thiếu để chủ động bổ sung, điều chỉnh. Tiện ích này giúp ích cho người dân rất nhiều, hạn chế công sức đi lại, tiết kiệm thời gian, đặc biệt là với những ai ở xa trung tâm hành chính. Đây còn là kênh tương tác hiệu quả để người dân có thể nhắn tin trực tiếp cho chính quyền qua Zalo khi có thắc mắc về thủ tục giấy tờ, hay cần đóng góp ý kiến.

{keywords}
Các tính năng hỗ trợ người dân trong thủ tục hành chính trên Zalo

Với tiêu chí lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động, mục tiêu tiếp theo của tỉnh là xây dựng thành công thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả các tiện ích, đem tới sự thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó thực hiện đúng kỳ vọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra vào cuối 2018: Quảng Ninh là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, đảm nhận vai trò là cực tăng trưởng phía Bắc, chủ đạo để tạo sự kết nối với các tỉnh thành lân cận.

Doãn Phong