Mấy ngày gần đây, lực lượng làm nhiệm vụ đang triển khai lắp máy bơm nước để hút nước của hai hồ tự nhiên có diện tích gần 1,2ha thuộc tổ 11- 12, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Công nhân lắp máy bơm chuẩn bị hút nước hồ Bà Đồ (phường Ngọc Thụy), chuẩn bị san lấp mặt bằng |
Một cán bộ của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên xác nhận với VietNamNet, quận đang tiến hành hút nước hai hồ để chuẩn bị san lấp, thực hiện quy hoạch, dự án phân lô, bán nền đã bị chậm tiến độ.
Theo UBND quận Long Biên, việc thu hồi đất ao, hồ trên địa bàn để san lấp nhằm thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật; làm các tuyến đường phụ cận để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Ngọc Thụy.
Người dân tổ 11,12 (phường Ngọc Thụy) căng băng-rôn xin giữ lại hồ tự nhiên.
Mục tiêu dự án nhằm tạo nguồn thu ngân sách, cải thiện cảnh quan khu vực, bảo vệ môi trường, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông nội bộ.
Dự án được UBND quận Long Biên phê duyệt đầu tư từ năm 2016. Dự án có quy mô 4,26ha, tổng đầu từ hơn 117 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện dự án từ năm 2016 – 2018.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án đã chậm tiến độ và đã được gia hạn đến năm 2023.
Khi biết thông tin có chủ trương lấp hồ tự nhiên chuyển đổi thành đất phân lô, đấu giá, gần 100 hộ dân tổ 11, 12 phường Ngọc Thụy đã viết đơn kiến nghị xin chính quyền giữ lại hồ để làm cảnh quan, phục vụ thoát nước.
Công nhân lắp máy bơm, hút nước hồ Bà Đồ... |
Nhiều hộ dân sinh sống xung quanh hai hồ tự nhiên đã có mặt tại hiện trường để xin chính quyền giữ hồ |
Sáng 13/3, rất nhiều hộ dân đã có mặt tại khu hồ - nơi các công nhân đang vận hành máy bơm, hút nước để phản đối, giữ hồ. Quận Long Biên yêu cầu các chủ thuê hồ đánh bắt, thu hoạch thủy sản, bàn giao mặt bằng cho chính quyền.
Nhiều người dân căng băng-rôn, biểu ngữ với nội dung xin được giữ lại hai hồ tự nhiên mà theo họ có nhiều chức năng đối với khu dân cư.
Đã báo cáo UBND TP
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, quận đã có báo cáo lên UBND TP, Sở Thông tin Truyền thông về sự việc người dân xin giữ lại hồ.
Chính quyền quận Long Biên lý giải, việc thu hồi đất nông nghiệp, các khu ruộng trũng, ao hồ trên địa bàn phường để chuyển đổi, thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2016.
Việc người dân có đơn thư kiến nghị giữ ao hồ, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận Long Biên, ông Bùi Dương cho biết, Ban Tiếp công dân quận đã tiếp và trả lời, giải quyết kiến nghị (trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Lan) về việc này. Tuy nhiên, các hộ dân đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên UBND TP Hà Nội.
Hồ Bà Đồ có diện tích 1.2ha, gần như là hồ tự nhiên cuối cùng còn lại của phường Ngọc Thụy |
Người dân treo băng-rôn xin giữ lại hồ tự nhiên |
Thời gian qua, tình trạng tự ý san lấp, lấn chiếm đất hồ tại phường Ngọc Thụy cũng thường xuyên diễn ra |
"Quận sẽ theo dõi kết quả giải quyết đơn kiến nghị của người dân của UBND thành phố. Nếu thành phố có quan điểm khác thì quận sẽ tổ chức điều chỉnh (dừng lấp 2 hồ tự nhiên - PV). Còn ở thời điểm hiện tại, thành phố đã cho phép quận thực hiện cưỡng chế và tiếp tục triển khai dự án", ông Dương nói.
UBND quận cũng cho biết đã giao BQL dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất quận thực hiện dự án làm hồ tổ 11 (diện tích 6.200m2), hồ tổ 6 (diện tích 2.000m2), hồ tổ 9 (diện tích 3.000m2); đang trong giai đoạn lập quy hoạch 2 hồ với diện tích 12,5ha, dự kiến khởi công vào năm 2022, hoàn thành vào năm 2023.
Những hồ này đều là dự án làm hồ mới, hồ nhân tạo, không phải hồ tự nhiên.
Trong thời gian qua, theo phản ánh của các hộ dân, rất nhiều ao hồ tự nhiên trên địa bàn phường Ngọc Thụy đã bị lấp. Hồ Bà Đồ có diện tích gần 1,2ha có lịch sử từ trước năm 1990, chạy dài vài trăm mét. Nếu bị san lấp theo chủ trương, đây là chiếc hồ tự nhiên gần như cuối cùng của phường bị xóa sổ.
Hai hồ tự nhiên ở Hà Nội sắp bị lấp, trăm hộ dân xin giữ 'lá phổi xanh'
Gần 100 hộ dân phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) xin giữ lại hai hồ tự nhiên với diện tích hơn 1,2ha với lý do giữ cảnh quan, “lá phổi xanh” của phường trước thông tin hai hồ này sắp bị lấp để làm đất ở.
Kiên Trung