Chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và 22 quận, huyện, TP Thủ Đức.
TP.HCM đã hỗ trợ gói an sinh cho hơn 206.000 người
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết đã có 206.795 lượt người được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 310 tỷ đồng, đạt 35% trên tổng số 886 tỉ đồng trong gói an sinh hỗ trợ người dân thành phố gặp khó vì đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, một số địa phương cũng đã vận động được số tiền lớn để hỗ trợ người dân như quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận…
Trong thời gian cách ly xã hội, TP.HCM đã lập hàng trăm chốt kiểm soát người ra vào |
Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, ông Dương Anh Đức cho biết, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, tiếp tục cho phép sản xuất đối với các doanh nghiệp khi đảm bảo các điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo thì ngừng hoạt động.
Để thực hiện tốt nhất "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, trong đó mục tiêu đảm bảo sức khỏe của người dân là trên hết, TP.HCM cho phép doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai trường hợp.
Một là doanh nghiệp phải đảm bảo phương châm 3 tại chỗ: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.
Hai là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": Chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi ở đến nơi sản xuất (ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung).
“Hiện đã có 216 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, 205 doanh nghiệp đã hoạt động. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục thẩm tra điều kiện tại các doanh nghiệp”, ông Đức thông tin.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP.HCM cũng đã chuẩn bị sẵn diện tích để phục vụ làm nhà xưởng ăn, ngủ tại chỗ cho doanh nghiệp có nhu cầu, thậm chí có thể lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết.
Thông tin tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định, thời gian qua, Thành phố gặp phải khó khăn trong chuỗi cung ứng do cả 3 chợ đầu mối và nhiều chợ truyền thống phải tạm đóng.
Sản lượng thông qua các chợ đầu mối chỉ đạt khoảng 2.200 – 2.700 tấn trong khi trước đó là 4.500 tấn. Hiện các siêu thị từ quy mô hơn 1.100 tấn/ngày đêm lên hơn 2.400 tấn/ngày đêm. Ngành Công Thương đã huy động các hệ thống thương mại, siêu thị, từ thu mua 1.130 tấn thực phẩm/ngày lên gấp 3 lần là 3.430 tấn/ngày.
“So với nhu cầu thì Thành phố vẫn thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau củ quả tươi sống mỗi ngày", ông Vũ cho biết.
Sở Công Thương đánh giá, hệ thống siêu thị hiện đã đạt công suất cực đỉnh, năng suất kho chứa cũng có giới hạn nên không thể mở rộng. Vì vậy, Sở đã làm việc với TP Thủ Đức và huyện Hóc Môn để các khu vực gần các chợ đầu mối làm các điểm trung chuyển hàng hóa.
Đến nay, chợ Thủ Đức đã thực hiện và tiếp nhận hơn 100 tấn rau, củ, quả từ các địa phương về mỗi ngày. Ngoài ra, lực lượng thương lái tại một số chợ tiếp tục hoạt động mua bán trực tuyến, giao hàng qua điện thoại.
Hiện, Sở Công Thương cùng các quận, huyện đánh giá mức độ an toàn của các chợ truyền thống để mở lại.
“Sẽ có lực lượng giám sát hoạt động tại các chợ này theo mô hình tự quản, giảm thiểu tối đa số lượng sạp để tạo khoảng cách đảm bảo quy định 5K phòng, chống dịch”, đại diện Sở Công Thương nói.
Đối với việc mở cửa chợ truyền thống, trong cuộc họp chiều nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết cần được cân nhắc tùy thuộc vào từng địa bàn chứ chưa thể mở trên diện rộng.
“Có thể tính toán phương án tận dụng kinh doanh trên các quảng trường rộng, kẻ phân ô để đảm bảo giãn cách trong quá trình mua bán”, ông Phong nêu lại sáng kiến ở Hóc Môn.
Hội chứng bóng bàn trong lây nhiễm bệnh rất nguy hiểm
Đối với việc triển khai quy định yêu cầu doanh nghiệp đủ điều kiện phòng, chống dịch mới được phép hoạt động, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA) Hứa Quốc Hưng cho biết, do thành phố triển khai với thời gian thông báo gấp nên việc cung cấp trang thiết bị lưu trú như lều bạt, mùng mền, khó đảm bảo cho các doanh nghiệp để bố trí chỗ ở công nhân.
“Các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm 7 - 7,5 tỷ đô, đóng góp lớn cho ngân sách cho thành phố nên khi thực hiện phương án này là chẳng đặng đừng”, ông Hưng nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, thành phố có thời gian thảo luận và không thể chờ đợi thêm được nữa nên mới lấy mốc 0h ngày 15/7 để triển khai quy định phòng, chống dịch đối với các doanh nghiệp.
Trong quá trình thực hiện chủ trương này, nếu doanh nghiệp chuẩn bị và đủ điều kiện tiến hành vừa sản xuất vừa cách ly thì vẫn cho doanh nghiệp triển khai.
Đặc điểm của các doanh nghiệp trong khu chế xuất hoặc khu công nghệ cao là công nhân không ở tập trung một chỗ mà ở phân bố rộng trên địa bàn nhiều quận huyện.
“Nhỡ một trường hợp nào đó bị lây từ cộng đồng nơi đang sinh sống rồi lây tới nơi làm việc, rồi từ đó những người bị lây lại tiếp tục lan ra cộng đồng. Các nhà chuyên môn gọi đó là hội chứng bóng bàn”.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu ví dụ, tính đến 10/7, Công ty Nidec có tới 573 ca của Khu Công nghệ cao. Phần lớn công nhân của công ty này trú ngụ trên địa bàn TP.Thủ Đức và tập trung tại phường Tân Phú nên lúc đó đã phải phong tỏa phường này ngay lập tức.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: Xót xa khi nghe tin F0 lây từ TP.HCM
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, chủng mới delta lây lan nhanh, khó lường, làm nhiều nơi khó khăn, lúng túng, vượt quá tầm kiểm soát.
“Xót xa khi nghe các tỉnh xác định đường lây của F0 từ TP.HCM”, ông Nên nói.
Việc tập trung các giải pháp thực hiện Chỉ thị 16 để từng bước khống chế dịch bệnh là trách nhiệm cao, thử thách lớn đối với TP.HCM trong thời gian một tuần qua.
Thành phố đã có sự phân công rõ ràng, rành mạch, một hệ thống bao quát từ công tác xét nghiệm, tới các điểm thu dung, điều trị. Bên cạnh đó, TP.HCM phối hợp với các bộ, ngành trung ương, huy động được nhiều nguồn lực xã hội, nhiều tỉnh, thành hỗ trợ.
TP.HCM quyết tâm dập dịch nhanh nhất có thể |
Thực hiện đúng phương châm 4 tại chỗ, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp giữa xét nghiệm PCR và test nhanh, công suất xét nghiệm tăng lên.
“Vừa làm vừa khắc phục, chấn chỉnh sự chệch choạc trước đó. Thành phố đưa thông tin lên bản đồ xét nghiệm để nắm nơi nào có nguy cơ lây nhanh, lây nhiều. Hiện, Thành phố tập trung phương án truy vết từ bên trong”.
Cũng theo Bí thư thành ủy TP.HCM, công tác cách ly và điều trị trong thời gian qua bị gây sức ép chưa từng có, vượt xa sự chuẩn bị trước đó của thành phố. Đến giờ này, với khoảng 30.000 trường hợp cách ly tập trung là con số rất lớn.
Việc bố trí nơi ăn, nghỉ, đảm bảo điều kiện sinh hoạt đối với người thuộc diện F1, F0, cơ bản đã ứng xử tốt, vượt qua được chặng đường khó khăn bước đầu. Đồng thời, Thành phố cơ bản ngăn chặn được các nguồn lây chính, giảm được sự phát tán ra cộng đồng, các ổ dịch lớn được kiểm soát lớn. Một số địa bàn đã kiềm chế được các chuỗi lây nhiễm lớn.
Thời gian tới, Thành phố sẽ cấu trúc lại việc chăm sóc các bệnh nhân Covid-19, phân công từng tầng theo hướng dẫn của ngành Y tế.
>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Bên trong nơi điều trị hơn 4.000 bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM
Hơn 200 nhân viên y tế căng mình chăm sóc hơn 4.000 ca F0 tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Nhóm PV