Chỉ trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, đường ống nước sông Đà vỡ liên tiếp hai lần. Đây là lần vỡ thứ 8 và thứ 9 kể từ khi hệ thống này đi vào khai thác từ năm 2009.


 

 {keywords}

Chỉ sau 5 năm đưa vào sử dụng, đã 8 lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ làm ảnh hưởng đến 70.000 hộ dân.

 

Việc vỡ đường ống nước sông Đà là một sự cố nghiêm trọng, bởi mỗi lần đường ống vỡ, cuộc sống của hơn 70.000 hộ dân (khoảng gần 1 triệu người dân) ở Hà Nội bị xáo trộn.

Một câu hỏi được đặt ra, đó là việc một đơn vị lớn như Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), từng đảm nhiệm hàng loạt những công trình xây dựng quy mô lớn trên cả nước tại sao lại tạo ra một công trình nhiều sự cố đến như vậy?

Đi tìm nguyên nhân

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, bất cứ công trình xây dựng nào, để không gặp phải sự cố, không gây tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống xã hội thì công tác khảo sát, thiết kế và lựa chọn phương án đầu tư, thi công, khai thác đều phải đảm bảo.

Tuy nhiên, ở công trình đường ống nước sông Đà, ống được sử dụng là ống composite (còn gọi là ống mềm), chưa từng được sử dụng trong các công trình xây dưng ở Việt Nam trước đó, nên việc áp dụng một loại vật liệu mới vào điều kiện Việt Nam là quá mạo hiểm.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã tìm ra nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước sông Đà là do chất lượng đường ống: Cụ thể chất lượng ống không đồng đều, nhà cung cấp ống composite chưa chứng minh được việc đảm bảo kỹ thuật trong sản xuất ống, cũng như độ bền trong thời gian khai thác sử dụng; đơn vị giám sát năng lực hạn chế, tổng thầu thiết kế thì thiếu kinh nghiệm.

Nhưng đổ lỗi cho ống là chưa đủ, bởi ống là thứ có trước, theo những tiêu chuẩn nhất định, người thiết kế, chọn phương án đầu tư, thi công phải tính đến các điều kiện phù hợp với loại vật liệu ấy.

Trong điều kiện nền địa tầng yếu như ở khu vực thi công đường ống, lỗi đầu tiên thuộc về người chọn ống đưa vào thiết kế. Thứ 2, nếu thiết kế đáp ứng được điều kiện của ống thì đến lỗi của người thi công. Thứ ba, lỗi có thể phát sinh trong quá trình vận hành đường ống, đó là khi áp lực bên trong lớn hơn khả năng chịu của đường ống.

Cũng theo PGS Hùng, do ống mềm, quá trình làm việc của nó phải gắn liền với môi trường xung quanh, vấn đề bao bọc của ống như thế nào, nền đất có bị lún cục bộ hay không… cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng làm cho tình trạng của ống trở nên phức tạp hơn.

{keywords} 

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, trong cuộc sống, có những lỗi có thể xin được, có lỗi lại phải quy trách nhiệm để xử lý.

Lời xin lỗi liệu đã đủ?

Liên quan đến sự cố đường ống nước sông Đà, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã thừa nhận, công trình thường xuyên gặp sự cố có phần trách nhiệm của Thành phố khi: "thành phố chưa phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để kiểm tra, giám sát về thiết kế, thi công dự án, nhất là tuyến đường ống".

Bên cạnh đó, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 15/7, Tổng Giám đốc Vinaconex Vũ Qúy Hà cũng đã chính thức nhận lỗi trước người dân và sẽ khắc phục tất cả sự cố của đường ống.

Việc lãnh đạo Vinaconex xin lỗi, và động thái thiết lập đội xử lý khẩn cấp chững tỏ lãnh đạo đơn vị này đã biết lỗi của mình. Nhưng theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, trong cuộc sống, có những lỗi có thể xin được, có lỗi lại phải quy trách nhiệm để xử lý.

Mặt khác, theo PGS Hùng, tình trạng Vinaconex vừa đá bóng vừa thổi còi khi các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, tư vấn giám sát… đều do các đơn vị thành viên đảm nhiệm khiến việc quy lỗi hiện nay rất khó. Chưa kể trong quá trình khai thác đường ống, có các đơn vị khác cũng có những hoạt động làm ảnh hưởng đến đường ống, như làm đường, xây dựng các công trình cao tầng và nhiều loại công trình khác… cũng tác động đến đường ống.

Việc giám sát, nhiệm thu công trình cũng có thể có những vấn đề cần xem xét. Nhưng rõ ràng, với vai trò của mình trong dự án, Vinaconex sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất về công tác quản lý chất lượng trong toàn bộ quá trình thi công đường nước sông Đà..

Cạn niềm tin

9 lần vỡ ống là 9 lần vá víu.

Nếu cứ vỡ ống nước sông Đà thì lại đi vá như cách làm hiện nay thì chỉ là biện pháp tình thế. Bởi vá chỗ này, có thể lại bục chỗ khác. Việc vỡ đường ống chưa biết khi nào mới chấm dứt.

Kế hoạch đầu tư đường ống thứ hai đang được Hà Nội cân nhắc có thể là một giải pháp về lâu dài. Và nếu được thành phố thông qua, dự án sẽ khởi công trước tháng 9.

Việc đầu tư đường ống thứ 2 có thể là cần thiết, khi ngay tại Hà Nội hiện còn nhiều khu vực vẫn thiếu nước sạch.

Nhưng lời tuyên bố đầy tự tin của lãnh đạo Vinaconex mới đây về việc thực hiện dự án thứ 2 không khỏi làm nhiều người giật mình, khi nhìn vào hiện trạng của dự án đầu tiên.

Dự án đường ống thứ hai có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, được ông Hà tuyên bố là từ nguốn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại. Nhưng theo điều tra của Thời báo Kinh doanh ngày 28/3/2014, đến hết năm 2013, Vinaconex đang vay nợ tổng số hơn 6.484 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Áp lực trả nợ căng thẳng, trong khi hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang "chôn" tại các dự án, công trình dở dang, vậy Vinaconex lấy đâu ra “vốn tự có”.

Theo PGS Nguyễn Văn Hùng, không loại trừ, Vinaconex có thể lấy việc xây dựng đường ống thứ 2 để che đi công trình hỏng ban đầu.

Và khi ấy, sự tự tin của lãnh đạo Vinaconex liệu có gì để đảm bảo, một công trình đã vỡ 9 lần sẽ không có lần thứ 10, 11… Thậm chí là vỡ cả trong dự án sau, khi dự án ấy có thể vẫn được thi công bởi cũng những con người ấy, vật liệu và địa tầng ấy…

 

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, TS danh dự Đại học Tổng hợp Xây dựng Quốc gia Maxcơva.

Hiệu trưởng Đại học Xây dựng từ năm 2004-2009

Chủ trì 2 đề tài cấp bộ về sự cố xây dựng, và có nhiều phân tích về sự cố xây dựng trong thực tiễn xây dựng những năm vừa qua.

Theo báo Xây dựng