Cuối tháng 12/2021, Bộ Công an khởi tố vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.
Đến nay, ngoài bị can Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã khởi tố 21 bị can, trong có các quan chức của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Kết quả điều tra đến nay xác định ông Phan Quốc Việt, tổng Giám đốc Công ty Việt Á, đã "bắt tay" với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỉ đồng. Đáng chú ý, theo lời khai của bị can Việt, số tiền chi "hoa hồng" cho các "đối tác" là gần 800 tỉ đồng
Trong vụ án này có hàng loạt Giám đốc CDC các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương bị khởi tố, bắt tạm giam.
Lãnh đạo CDC bị C03 khởi tố đầu tiên là Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương), sau đó là ông Nguyễn Văn Định (CDC Nghệ An), ông Nguyễn Thành Danh (CDC Bình Dương) và mới đây nhất là ông Lâm Văn Tuấn (CDC Bắc Giang).
Thời điểm cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố các bị can liên quan đến Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan, Giám đốc CDC Nghệ An và Bắc Giang từng trả lời báo chí khẳng định việc không nhận lợi ích vật chất từ Việt Á.
Cụ thể, ngày 20/12/2021, ông Nguyễn Văn Định nói với PV VietNamNet rằng bản thân "minh bạch, làm đúng trình tự, quy trình, thủ tục trong các gói thầu cung cấp vật tư Kit test với Công ty Việt Á. Việc Bộ Công an làm việc tại Nghệ An là thông tin dư luận hiểu nhầm".
10 ngày sau câu khẳng định trên, ông Định bị C03 Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.
Được biết, CDC Nghệ An mua sinh phẩm, vật tư của Công ty Việt Á theo 4 gói thầu, trong đó 2 gói được đấu thầu rộng rãi, 2 gói chỉ định thầu trị giá hơn 18,5 tỷ đồng. Gói chỉ định thầu đầu tiên vào ngày 15/7, khi diễn biến dịch ở Nghệ An đang hết sức phức tạp, phải khẩn trương xét nghiệm trên diện rộng. Gói chỉ định thầu còn lại là vào ngày 31/10, với số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Văn Định (trái) và Lâm Văn Tuấn. Ảnh: Bộ Công an |
Tương tự, ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang khẳng định với báo chí rằng "không nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á hay Công ty Phan Anh, còn quá trình đấu thầu thì thực hiện theo quy định, thuê đơn vị tư vấn".
Ngày 21/1, ông Tuấn bị C03 khởi tố, bắt tạm giam để điều tra liên quan vụ Việt Á.
Cơ quan điều tra cáo buộc ông Lâm Văn Tuấn có hành vi thông đồng cấu kết với ông Phan Huy Văn (Giám đốc công ty Phan Anh có trụ sở tại TP Bắc Giang), Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan vi phạm các quy định của luật đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua kit test Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất tổng giá trị hơn 148 tỷ đồng.
Ông Văn và bà Phan Thị Khánh Vân (chị ruột ông Văn) còn thỏa thuận nhận trên 44 tỷ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng do Công ty Việt Á chuyển. Bà Vân đã chi một phần tiền cho ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang.
Ngày 20/1, trả lời VietNamNet liên quan đến việc mở rộng điều tra vụ nâng khống kit test Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường khẳng định, việc xử lý "không có vùng cấm".
Theo ông Cường, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sáng 20/1, nhiều thành viên Ban chỉ đạo đã cho ý kiến về vụ Việt Á.
"Tôi khẳng định, vụ Việt Á dù ở cấp nào, nếu liên quan, điều tra ra thì không có vùng cấm, không chỉ dừng lại ở cấp vụ mà bất cứ ai có liên quan sẽ bị xử lý theo quy định", ông Cường nhấn mạnh.
Trước đó, trong thông báo phát đi ngày 30/12/2021, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Hà An
Giám đốc CDC Bắc Giang nhận tiền ngoài hợp đồng từ Việt Á
Giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra những sai phạm liên quan vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan.