Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây đã cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 và thống nhất trình các bộ, ngành liên quan, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới.

Từ năm 1954 đến nay, có 7 lần quy hoạch chung Thủ đô đã được ban hành; mỗi lần đều đề cập quy hoạch không gian sông Hồng. Năm 2012, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Từ đó đến nay, có khoảng 20 đề án, dự án quy hoạch liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước; nhưng Hà Nội vẫn chưa có được quy hoạch này.

{keywords}
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha. Ảnh: Phạm Hải

Theo tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5.000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.

Dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người. 

Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nêu trên thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen...

Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch. 

Bên cạnh việc bố trí dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồ án còn nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Đồ án quy hoạch cũng đề cập đến việc xây dựng cầu, hầm kết nối đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy; phát triển hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp…

Các tuyến đê đoạn qua nội đô được giữ nguyên trạng, đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực với bốn làn xe; quy hoạch hai tuyến đường sáu làn xe chạy dọc hai bên sông.

Đồ án đề xuất 5 bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc; Hoàng Mai - Thanh Trì; Chu Phan - Tráng Việt; Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức. Bãi sông được xây dựng với tỷ lệ 15% là Tàm Xá - Xuân Canh.

Các bãi sông này định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại, nhà ở sinh thái chất lượng cao. Các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ. Ngoài ra, còn được định hướng không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường đô thị, công viên ngập lũ...

Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển

Góp ý kiến vào đồ án, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) đánh giá, việc giới hạn quy hoạch gói gọn trong 40km chiều dài sông là phù hợp trong giai đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ đô.

Ông bày tỏ đồng tình việc Hà Nội thay đổi cách tiếp cận theo hướng đô thị xanh, trục cảnh quan văn hóa, lịch sử thay vì đô thị cao tầng.

KTS Trần Ngọc Chính đề xuất các cơ quan của TP tính toán chi tiết đến việc di dời, tái định cư khu vực dân cư nằm trong khu vực vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và thoát lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở và từng bước di dời các hộ dân không nằm trong khu dân cư tập trung.

Đối với các hộ dân nằm trong vùng không phải di dời, TP cần có chính sách bảo vệ, cải tạo, chỉnh trang đô thị cho khu vực. Đồng thời tìm kiếm các mặt bằng mới để bố trí cho người dân tái định cư tại chỗ, ổn định đời sống dân cư khu vực này.

Ông cũng nêu quan điểm TP cần chú trọng đến xây dựng 2 tuyến đường cấp đô thị chạy dọc sông đoạn qua phân khu được quy hoạch. Đây sẽ là tuyến giao thông chính, liên kết giao thông phân khu đô thị với giao thông trên toàn TP.

Tuyến đường này sẽ quyết định đến trục cảnh quan, kiến trúc đô thị, là điểm nhấn cho toàn bộ quy hoạch sông Hồng.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, các sở, ngành của TP cần phân tích, khái toán chi phí, tính toán lợi ích, phương án khả thi về tài chính, phương hướng huy động vốn, thực hiện quy hoạch. Bởi theo ông, đồ án có phân tích về tính khả thi, nhưng chưa đề cập chi tiết đến khía cạnh kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, trước đây, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được kỳ vọng lớn, thậm chí kỳ vọng tạo nên kỳ tích. Phạm vi nghiên cứu quy mô khoảng 40km, quỹ đất khoảng 11.000 ha và số dân theo quy hoạch khoảng 170.000 người. Đây là khu vực phức tạp, tồn tại quá trình lịch sử về quản lý đất đai, xây dựng, an sinh...

Đặc biệt, mục tiêu số 1 của đồ án quy hoạch phải đạt được chính là giải quyết tốt việc phòng, chống lũ và bảo vệ đê điều. Khó khăn cũng chính từ nội dung này. Chúng ta phải bảo đảm không gian thoát lũ tốt với cao trình khoảng 15m đối với đê cấp đặc biệt tả ngạn, hữu ngạn của sông Hồng.

“Trước đây chúng ta hay nói quay lưng sông Hồng, ngày nay sẽ quay mặt vào sông Hồng để kiến tạo những không gian giá trị, trục không gian hành lang xanh quan trọng”, ông Tuấn nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, quy hoạch sông Hồng theo hướng trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả 2 bên dòng sông, chứ không phải là nơi chất tải các công trình lên.

Bí thư Hà Nội: Không chất tải các công trình lên hai bên sông Hồng

Bí thư Hà Nội: Không chất tải các công trình lên hai bên sông Hồng

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ, không gian phát triển của Hà Nội bây giờ rất rộng nên không việc gì chất tải các công trình lên dọc sông Hồng.

Hương Quỳnh