XEM VIDEO:
Tại chốt kiểm soát Pháp Vân - Cầu Giẽ, ghi nhận sáng 22/9 cho thấy rất đông các phương tiện di chuyển từ nội đô về các tỉnh khác, còn ở chiều vào cũng đông hơn ngày thường.
Cả hai chiều ra, vào thành phố đều có tình trạng dòng xe nối đuôi nhau |
Tại chiều ra khỏi thành phố Hà Nội, các phương tiện ùn ứ nối dài |
Tại chốt kiểm soát này, các xe luồng xanh vẫn được ưu tiên đi làn đường riêng, còn xe cá nhân phải xuống xuất trình giấy tờ và thực hiện các thủ tục cần thiết mới được phép đi qua.
Theo ghi nhận tại chốt, đã có không ít trường hợp người dân từ tỉnh khác vào Hà Nội, khi TP giãn cách thời gian dài đã bị mắc lại, nay đang tìm cách về quê.
Chị Nguyễn Thị Hà, thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết: “Tôi đón mẹ ra Hà Nội trông các cháu khoảng 3 tháng nay. Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, tôi đã đi tìm hiểu điều kiện để đưa bà về quê, được hướng dẫn chỉ cần xét nghiệm âm tính. Tôi có hỏi cảnh sát khu vực để xin giấy đi đường cho bà về quê nhưng được câu trả lời là UBND xã không cấp giấy đi đường nữa”.
Tuy nhiên, khi gia đình chị Hà thực hiện đủ xét nghiệm Covid-19 cho các thành viên để lên đường về quê, đến chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ thì cán bộ y tế yêu cầu quay trở lại địa phương để xin giấy đi đường.
Chị Hà cùng 4 thành viên phải quay xe, nhưng vẫn chưa biết phải lên cơ quan nào xin giấy đi đường.
Nhiều người tập trung xếp hàng khai báo y tế, làm thủ tục để rời thành phố |
Hệ thống quét mã QRCode qua camera mới chỉ được áp dụng tại chiều vào TP, chiều ra các cán bộ y tế vẫn phải quét bằng điện thoại |
Nhiều phương tiện phải quay đầu vì thiếu giấy tờ |
Anh Ngọ Lê Huy (Thanh Hóa) cũng rơi vào tình cảnh khó khăn hơn khi từ Thanh Hóa lên Hà Nội để giải quyết công việc cá nhân, nhưng đã phải ở lại 2 tháng nay vì TP giãn cách.
Ngày 22/9, anh Huy về lại Thanh Hóa thì lực lượng y tế tại chốt yêu cầu ngoài giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 phải có giấy đi đường, nhưng anh không biết phải tới cơ quan nào để xin giấy đi đường?.
Anh Huy đã đến Công an phường Mễ Trì - địa bàn anh ở tạm trong những ngày giãn cách, thì công an phường không cấp giấy đi đường cho anh. Còn công ty cũng không thể cấp giấy do anh đang đi giải quyết công việc cá nhân.
Anh Đặng Văn Lợi (Thanh Hóa) cũng lâm vào tình cảnh tương tự, khi lên Công an xã Vạn Phúc (Thanh Trì) để xin giấy đi đường thì được trả lời là không có mẫu giấy đi đường nào để cấp.
Anh Lợi lên mạng tự tra cứu mẫu giấy đi đường, in rồi mang lên công an xã ký, đóng dấu. Dù đã được công an xã xác nhận nhưng nhân viên y tế tại chốt không chấp nhận do không đúng mẫu giấy đi đường mà UBND TP đã ban hành.
Theo anh Lợi, vì không thuộc cơ quan, tổ chức nào nên việc xin xác nhận của anh vô cùng khó khăn. Bản thân anh cũng đã đến chính quyền tại địa phương nhưng không có cơ quan nào hướng dẫn một mẫu giấy đi đường chung, thống nhất.
Không biết xin giấy đi đường ở đâu, nhiều người vẫn chưa thể về quê sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách |
Nhiều người không khai báo y tế trước khi đến chốt khiến tình trạng tập trung đông người để khai báo diễn ra |
Thiếu tá Phùng Quang Hưng, Phó đội trưởng Đội CSGT số 14, Trưởng chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ thông tin, ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, lượng phương tiện đi qua chốt gia tăng ở cả chiều ra, vào TP.
Cũng theo Thiếu tá Hưng, hiện UBND TP, Công an TP chưa ban hành hướng dẫn mới về các trường hợp người dân muốn ra, vào TP cần các giấy tờ gì nên tại chốt vẫn thực hiện theo hướng dẫn cũ.
Do lượng người dồn về chốt đông, Đại tá Hưng khuyến cáo, người dân có công việc buộc phải rời hoặc vào TP cần khai báo y tế trước khi đến chốt để tránh tình trạng tập trung đông người.
Tại chốt kiểm soát, lực lượng chức năng có thông báo về quy định về công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện hành. Theo đó, đối với người đang cư trú trên địa bàn TP và làm việc, lao động tại các cơ quan, đơn vị, nhà máy cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu trên địa bàn TP chỉ cần xuất trình giấy đi đường do đơn vị sử dụng lao động cấp theo mẫu; Căn cước công dân/ Chứng minh nhân dân, Văn bản của công ty, đơn vị sử dụng lao động. Đối với người ở các tỉnh, TP khác vào Hà Nội làm việc hoặc người ở Hà Nội ra các tỉnh, TP khác làm việc, lao động trong các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động trên địa bàn Hà Nội thì cần xuất trình Giấy đi đường; Căn cước công dân/ CMTND, văn bản của công ty, đơn vị sử dụng lao động. Đối với người ở tỉnh, TP khác đưa, đón bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP, lễ tang, đi sân bay Nội Bài để công tác thì cần xuất trình CMTND/ CCCD, kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn thời hạn 3 ngày và các loại giấy tờ theo từng trường hợp. Đối với trường hợp ra, vào TP vì lý do công vụ, phòng chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia cần xuất trình giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp. |
Hà Nội áp dụng Chỉ thị 15, có được về quê bằng xe máy?
Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, không kiểm tra giấy đi đường, nhiều người dân đặt câu hỏi về các loại giấy tờ, thủ tục để họ về quê, ra tỉnh ngoài.
Đình Hiếu