Hải Phòng cho phép người ở các tỉnh, thành khác vào TP mà không phải cách ly y tế tập trung nhưng phải có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương nơi đi.
Chốt cao tốc đường Hà Nội - Hải Phòng, đường dẫn 353 sáng nay |
TP dừng các tổ, chốt kiểm soát dịch tại các khu dân cư tổ dân phố, thôn xóm từ 0h hôm nay.
Các bến phà, bến đò kết nối với các tỉnh Thái Bình, Hải Dương được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ từ 6h - 8h và 16h - 18h.
Các hãng taxi được phép hoạt động 50% số đầu xe trong nội thành, số người trên xe dưới 50% số ghế.
Các cơ quan hành chính nhà nước bố trí 50% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến cơ quan làm việc, số còn lại làm việc tại nhà. Chỉ tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính của công dân đối với các trường hợp không thể thực hiện qua giao dịch điện tử.
Người từ 12 địa phương thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao (Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP HCM, Tây Ninh) khi đến Hải Phòng vẫn phải qua chốt kiểm soát và phải đi cách ly tập trung 14 ngày.
Các khu vui chơi giải trí, hàng quán không thiết yếu, cửa hiệu dịch vụ không cấp bách... tiếp tục tạm dừng hoạt động.
Trong công văn hỏa tốc phát đi sáng nay, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh các dịch vụ: Karaoke, massage, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, ca nhạc phòng trà; Tiếp tục tạm dừng vận tải hành khách liên tỉnh và xe hợp đồng. Các phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh được phép hoạt động trở lại nhưng không chở quá 50% số người theo quy định và không quá 20 người/xe khách, xe buýt...
Hạn chế việc di chuyển của người dân đến 12 tỉnh, TP thuộc nhóm nguy cơ cao. Người đang sinh sống ở Bắc Giang không đi đến các vùng có dịch, đặc biệt là Hà Nội.
Thanh Hóa nằm trong nhóm 36 địa phương nguy cơ thấp. Ngay tối qua, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện khẩn về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, toàn tỉnh tiếp tục giãn cách xã hội đến hết ngày 30/4. Học sinh các cấp nghỉ học đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4.
Cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước đi làm bình thường từ hôm nay nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại công sở.
Tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng.
Tiếp tục dừng hoạt động vận chuyển tất cả các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt, xe taxi, xe điện 4 bánh trên địa bàn tỉnh cho đến khi có chỉ đạo mới của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp tục dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, vũ trường, karaoke, massage...
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, không tổ chức phục vụ khách hàng ăn, uống tại cơ sở, khuyến khích cung cấp các suất ăn, uống theo địa chỉ của khách hàng.
Các quầy thuốc chỉ bán thuốc cho người đến mua thuốc thực hiện đầy đủ việc khai báo y tế cho mình và cho người sử dụng thuốc.
Tại Thừa Thiên Huế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lĩnh vực vui chơi giải trí tập trung đông người; các lễ hội, phố đi bộ; các cơ sở lưu trú; di tích, bảo tàng, công viên, thắng cảnh, địa điểm tham quan; taxi và giao thông công cộng nội tỉnh, tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, cắm trại, tắm biển tại các địa điểm công cộng... tiếp tục tạm dừng hoạt động đến hết ngày 22/4.
Các nhà hàng ăn uống được phép bán hàng online. Các hoạt động ma chay, cưới hỏi, lễ tiệc được vận động theo nghi lễ truyền thống tại nhà, không tập trung đông người.
Đà Nẵng từ tối qua có văn bản nêu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại từ 0h hôm nay, chỉ được bán online và bán cho khách mang về, thay vì ngừng hoạt động hẳn như chỉ đạo trước đó.
Sau thời gian tạm dừng, Đà Nẵng cho cửa hàng ăn uống bán mang về |
Các quận, huyện tăng cường kiểm tra, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh, người vận chuyển thức ăn, người dân đến mua thức ăn mang về phải tuân thủ, bảo đảm tuyệt đối các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là về giãn cách xã hội… Các cơ sở không thực hiện đúng các quy định sẽ bị đóng cửa.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch.
Tại Bình Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh sáng nay ký văn bản yêu cầu tiếp tục tạm dừng hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Riêng các hoạt động rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao ngoài trời (tắm biển, đi bộ, thể dục thể thao…) được phép hoạt động và phải đảm bảo không tụ tập đông người, bắt buộc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2m.
Tỉnh tiếp tục cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học cho đến khi có thông báo, đồng thời hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các địa phương có dịch đến tỉnh.
Cần Thơ: Chủ tịch tỉnh ký công văn gửi nêu rõ, trong khi chờ chỉ thị mới của Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành TP, chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 16 và 15 của Thủ tướng cho đến khi có thông báo mới.
Quán cà phê ở Cần Thơ hoạt động trở lại. Ảnh: Hoài Thanh |
Bình Dương: Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15 và 16, tiếp tục cách ly xã hội đến hết ngày 22/4.
Tạm dừng hội họp tập trung trên 20 người, dừng toàn bộ các nghi lễ tôn giáo; xử lý nghiêm các cơ quan đơn vị, địa phương để xảy ra việc tụ tập trên 20 người; cấm tụ tập trên 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m tại các điểm công cộng.
Tiếp tục đóng cửa các dịch vụ không cần thiết; khuyến cáo người dân không ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Hàng quán ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương chiều nay đóng cửa. Ảnh: Đàm An |
Đồng Tháp: Tập trung ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài; kiên trì các nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị khỏi; huy động nguồn lực tại địa phương theo phương châm 4 tại chỗ.
Tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung (từ 20 người trở lên) tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Tạm dừng đón khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử, văn hoá; đồng thời tiếp tục tạm dừng hoạt động vui chơi giải trí, kinh doanh dịch vụ.
Đối với các cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, khám, chữa bệnh vẫn được hoạt động bình thường, nhưng phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Xử lý nghiêm hành vi không đeo khẩu trang khi ra đường, tại nơi công cộng; tập trung quá 10 người ngoài phạm vi công sở; đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật…
Trà Vinh, Vĩnh Long: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (trừ các cơ sở, dịch vụ phải đóng cửa) không tụ tập đông người; đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách tối thiếu 2m; đưa ra phương án kiểm soát dịch tễ nội tỉnh, tiếp tục kiểm soát các hàng quán buôn bán dạo, nhỏ lẻ.
Theo chỉ thị mới của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, những hoạt động được phép mở cửa là các cơ sở kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phục vụ trực tiếp nhu cầu thiết yếu của người dân; Cơ sở dịch vụ ăn uống, nước giải khát, hàng quán, địa điểm tham quan, du lịch (phục vụ khách nội tỉnh); Các hàng quán vỉa hè, hàng rong (bán mang về); các hoạt động thể dục, thể thao.
5 tỉnh Tây Nguyên: thuộc nhóm nguy cơ thấp. Các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum đã họp, ban hành văn bản hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15.
Các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai trong hôm nay cũng đã họp bàn, nhưng chưa ban hành văn bản cụ thể. Theo lãnh đạo văn phòng các tỉnh, hiện vẫn chờ văn bản chỉ đạo mới nhất từ Văn phòng Chính phủ để áp dụng, thực hiện trong thời gian tới.
Nhóm PV
'ATM gạo' thông minh ở Hà Nội nhận diện hàng trăm khuôn mặt người tới nhận
Đảm bảo nguyên tắc ai cũng được hỗ trợ, 1 người không nhận gạo quá 1 lần/tuần, cây ATM gạo thông minh nhận điện khuôn mặt đầu tiên được lắp đặt tại Hà Nội.