- Một bệnh nhân từ lúc bắt đầu xếp hàng ở cửa nhà vệ sinh tới lúc giải quyết xong nhu cầu mất ít nhất 20 phút. Ai nấy khi bước vào đều vội vàng, rùng mình, nhắm mắt, bịt khẩu trang, tranh thủ làm cho nhanh…
Vào bệnh viện, mỗi đi vệ sinh đã mất gần nửa tiếng
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đơn vị tuyến cuối, mỗi ngày khám cho từ 5.000 – 6.000 bệnh nhân. Không chỉ người dân TP.HCM mà ở các tỉnh lân cận đổ xô về bệnh viện này rất nhiều gây nên tình trạng quá tải trầm trọng.
Khu khám bệnh trên lầu 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy bố trí 2 nhà vệ sinh để phục vụ nhu cầu của bà con nhưng vẫn…không ăn thua.
Cảnh bệnh nhân chen chúc trong nhà vệ sinh ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bảo An. |
Ở ngay cầu thang lên xuống, gần nơi lấy mẫu xét nghiệm, luôn xảy ra tình trạng ùn tắc. Đoàn người xếp hàng chen chúc bên trong, dài thượt tới tận ngoài cửa, đứng lấn cả ra lối đi lại.
Xếp hàng 20 phút chúng tôi cũng vào được đến bên trong, nhận ra lý do có tình trạng ùn ứ như vậy do các khoang đi vệ sinh ở mỗi khu bị khóa cửa bớt, chỉ còn 1 – 2 cửa để ngỏ.
Tại khu vệ sinh thứ 2 cũng tương tự. Rộng hơn khu thứ nhất nhưng vẫn không được khai thác hết công suất, 2 cửa bị khóa trái (dành cho nhân viên, hoặc kho để đồ?)
Anh Trần Văn Thuyên, 45 tuổi, ngụ quận Gò Vấp lo lắng: “Tôi đưa mẹ già 80 tuổi đi khám bệnh. Bà vào nhà vệ sinh lấy nước tiểu làm xét nghiệm gần nửa tiếng rồi chưa thấy ra. Tôi lo quá không biết bà có bị sao không, ngó vào tìm thì bị cô nhân viên mắng. Khổ quá, có ai giúp tôi tìm mẹ tôi với!”.
Đoàn người xếp hàng kéo dài từ bên trong ra tới tận lối đi ngoài cửa. (Ảnh: Bảo An). |
Không chỉ mình anh Thuyên rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì nhà vệ sinh bệnh viện quá tải, chị Trần Thu Thủy đang chờ chia sẻ: “Kinh quá đi thôi, cay xè cả mắt, bịt khẩu trang rồi mà không ăn thua, đã thế còn phải đứng chịu trận mãi mới tới lượt.
Nói thật nếu chỉ để giải quyết nhu cầu tôi sẽ…nín luôn cho xong, nhưng lại phải lấy mẫu xét nghiệm nên cực chẳng đã. Đấy, ngành y tế muốn đỡ nhiêu khê cho bệnh nhân thì bắt đầu ngay từ cái nhà vệ sinh đây này.”
Một số bệnh nhân chờ lâu sốt ruột cằn nhằn với nhân viên dọn dẹp: “Đông thế sao không mở hết các cửa ra mà lại khóa bớt lại để ùn ứ thế này? Cái bồn cầu bao nhiêu vi trùng bẩn thỉu thế mà lại bắt không được đi dép lên để lây bệnh chết à?...”
Đóng bớt cửa cho dễ bề dọn dẹp?
Trước bức xúc của bệnh nhân, một nhân viên dọn dẹp tên Tuyết (tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ với chúng tôi: “Bệnh viện bố trí mỗi nhà vệ sinh luôn có một nhân viên túc trực để cọ rửa, lau chùi nhưng như muối bỏ biển, ý thức bà con mình kém quá.”
Bệnh nhân xếp hàng chen chúc mà các khoang trong nhà vệ sinh lại chỉ mở cầm chừng, thậm chí khóa trái ? (Ảnh: Bảo An). |
Chị Tuyết kể một lần chứng kiến cụ bà ngồi giải quyết luôn dưới sàn nhà vệ sinh, rồi đa số bệnh nhân đi sai chỗ, đi xong không giội nước.
Bất lực nên nhân viên bệnh viện khóa bớt cửa lại để dễ bề quản lý. “Mà thế vẫn chưa chắc ăn, hễ có người bước vào đi vệ sinh là tôi lại phải nhắc cô bác làm ơn đi xong nhớ giật nước.”, chị Tuyết nói.
Một số bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy xin được giấu tên chia sẻ: “Nhìn bệnh nhân xếp hàng vào nhà vệ sinh để lấy nước tiểu làm xét nghiệm mà thấy khổ thân. Nhà vệ sinh mỗi tầng đều có hết đấy chứ nhưng nhân viên dọn dẹp họ tự ý khóa bớt cửa lại, viện cớ làm kho để đồ. Có lần hỏi sao không mở hết cửa ra cho bà con dùng thì chính chúng tôi còn bị cự chứ đừng nói bệnh nhân.”
Bà Phạm Thị Thoa, 65 tuổi, quê ở Phan Thiết tới Bệnh viện Chợ Rẫy khám nội tiết nhắn nhủ: “Bà con chúng tôi ở xa lên khám bệnh, vật vờ chờ đợi ở bệnh viện cả ngày mới khám xong nên không tránh khỏi nhu cầu đi vệ sinh. Tuy ở quê nhưng nói thật tới nhà vệ sinh của bệnh viện tôi…rùng mình.
Khám bệnh đã phải chờ, nay tới đi vệ sinh cũng phải chờ, chưa kể vừa đi vừa bịt mũi. Cứ cho rằng nhiều người ý thức còn kém nhưng tôi nghĩ phải chọn cách khác, chứ khóa bớt cửa lại là không ổn.”
Không chỉ một mình Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nhà vệ sinh trở thành nỗi ám ảnh đối với bệnh nhân là tình trạng chung ở nhiều cơ sở y tế công lập khác.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các nhà vệ sinh trong bệnh viện quả là môi trường lý tưởng để lây truyền, phát tán các bệnh nguy hiểm.
Bảo An