"35 năm công tác tại bệnh viện, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp bệnh nhân được thay đổi kết cấu phòng bệnh. Bệnh viện khác cũng chưa hề có chuyện tương tự. Thật quá bất ngờ”, ông La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, chia sẻ khi đề cập đến vụ bay lắc, mua bán chất cấm vừa bị Công an Hà Nội triệt phá.

Quá dễ dãi

Khi nghe thông tin Bệnh viện Tâm thần Trung ương I có bệnh nhân sửa chữa phòng điều trị để làm nơi bay lắc, buôn bán ma túy, ông đã nghĩ gì?

- Sự việc rất ngỡ ngàng! Tôi không thể hiểu tại sao khoa Phục hồi chức năng (nơi Nguyễn Xuân Quý điều trị) lại để cho người bệnh làm những việc như vậy. Cơ sở vật chất như phòng bệnh, thiết bị y tế đều được đầu tư, sửa chữa từ ngân sách Nhà nước hoặc của bệnh viện. Khoa hay bệnh nhân không được tự ý thay đổi.

Tôi chỉ chứng kiến bệnh nhân đòi hỏi, đưa ra những yêu sách nhỏ nhặt. Việc tự ý sửa chữa cả một phòng bệnh là không có. Trong khoảng thời gian còn công tác tại viện, những yêu cầu dù nhỏ nhất của bệnh nhân mà nằm ngoài quy định bệnh viện, các bác sĩ, các khoa đều phải xin ý kiến, lãnh đạo bệnh viện phê duyệt mới được thực hiện.

Theo tôi, để sự việc như vừa rồi xảy ra là do lãnh đạo khoa đã quá dễ dãi.

Benh nhan tam than ban ma tuy anh 1

Ông La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Các bác sĩ và lãnh đạo khoa Phục hồi chức năng nói rằng họ bị Nguyễn Xuân Quý ngăn cản nên không biết phòng điều trị được sửa sang thành nơi bay lắc. Theo ông, tường trình này có đáng tin?

- Tôi thấy tường trình như vậy không hợp lý. Không bao giờ bệnh nhân có quyền cấm hay cản trở bác sĩ vào phòng bệnh để khám, giám sát hay kiểm tra. Tôi không biết các bệnh viện khác hay ở các nước khác như nào, nhưng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, bệnh nhân bắt buộc phải mở cửa phòng bệnh khi bác sỹ yêu cầu.

Trong khoảng thời gian công tác, tôi từng gặp trường hợp bệnh nhân chống đối, kích động, không hợp tác trong quá trình điều trị, nặng hơn là từ chối tiếp xúc. Nhưng tình huống này chỉ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày, nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục, bệnh viện có đủ phương án và nhân lực để giải quyết.

Để cải tạo phòng bệnh thành nơi bay lắc, Quý có chìa khóa cửa và được mang nhiều đồ đạc như loa, đèn, bàn DJ từ bên ngoài vào. Bên cạnh đó, đồng phạm của anh ta cũng dễ dàng ra vào phòng điều trị để vận chuyển ma túy. Ông nghĩ gì về việc quản lý lỏng lẻo của bệnh viện?

- Để những việc trên xảy ra, tôi đánh giá sự quản lý của bệnh viện quá lỏng lẻo, sai quy định. Người ngoài hay kể cả người thân bệnh nhân khi có nhu cầu vào thăm đều phải thông qua người quản lý của bệnh nhân đó. Người quản lý sẽ có nhiệm vụ kiểm soát mục đích vào gặp bệnh nhân, thời gian cũng như nơi gặp, thường sẽ có phòng thăm gặp riêng.

Đồng thời, người quản lý còn phải kiểm tra những vật dụng mà người ngoài mang vào trước khi gặp bệnh nhân. Từng hộp cơm cho đến cái thìa cũng bị kiểm soát, bởi đối với bệnh nhân tâm thần, bất kỳ vật dụng nào cũng có thể biến thành vật nguy hiểm.

Benh nhan tam than ban ma tuy anh 2

Nguyễn Xuân Quý mang thiết bị âm thanh vào phòng điều trị để bay lắc. Ảnh: Công an cung cấp.

Còn việc Quý có chìa khóa riêng để ra vào phòng bệnh tự do, rõ ràng khoa đã vi phạm quy định. Bệnh nhân tâm thần không bao giờ được cầm chìa khóa phòng bệnh mà chỉ các bác sĩ, điều dưỡng trong ca trực mới được cầm. Khi hết ca, chìa khóa sẽ bàn giao lại cho ca trực sau.

Để sự việc đáng tiếc trên xảy ra ngay tại bệnh viện rõ ràng là sự tắc trách của lãnh đạo, bác sĩ khoa. Tuy nhiên, theo tôi, đội ngũ điều dưỡng cũng có phần trách nhiệm bởi họ là người tiếp xúc nhiều và gần nhất với các bệnh nhân.

Nói không quá chứ điều dưỡng sẽ nắm rõ từng “chân tơ, kẽ tóc” của phòng bệnh cũng như bệnh nhân. Họ không sát sao trong công việc là tạo sơ hở cho những việc tiêu cực.

Lãnh đạo bệnh viện phải chịu toàn bộ trách nhiệm

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I nói rằng không nắm bắt được sự việc, ông nghĩ sao về câu trả lời trên? Và khi còn đương chức, ông quản lý bệnh viện, cán bộ dưới quyền như thế nào?

- Có thể lãnh đạo bệnh viện nói không biết nhưng chỉ hợp lý khi vụ việc mới xảy ra hoặc trong thời gian ngắn. Bởi, ban lãnh đạo luôn có những kênh kiểm tra riêng để giám sát hoạt động vận hành của bệnh viện, bên cạnh những phương pháp truyền thống như kiểm tra định kỳ, đột xuất.

Với tôi, việc quản lý cấp dưới được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm, các nghị định, thông tư của Bộ Y tế hay Chính phủ. Nhưng thực tế, tôi vẫn phải trực tiếp quán xuyến, nhắc nhở... bằng nhiều phương pháp cá nhân.

Benh nhan tam than ban ma tuy anh 3

Ông Vương Văn Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I) bị tạm đình chỉ công tác sau sự việc.

Ví dụ, thỉnh thoảng rảnh rỗi, tôi lại đích thân đi kiểm tra khắp bệnh viện mà không có lịch trình cố định nào. Phát hiện vấn đề cần nhắc nhở là nhắc nhở luôn, cần chấn chỉnh hay thậm chí ra văn bản để cấm là phải thực hiện ngay. Tôi thường ưu tiên cách này hơn là tổ chức các buổi kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất vì khi đó phải mất thời gian thành lập đoàn, tổ.

Sau vụ việc, lãnh đạo bệnh viện sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm, bởi họ là người đứng đầu.

Thời gian gần đây, tội phạm hay lợi dụng bệnh án tâm thần, chứng nhận tâm thần để miễn giảm trách nhiệm hình sự. Vậy quy trình để kết luận một bệnh nhân bị bệnh tâm thần được thực hiện ra sao?

- Khi bệnh viện tiếp nhận một người bệnh, qua quá trình thăm khám, các triệu chứng bệnh đủ rõ rệt thì bác sĩ sẽ tự kết luận và đưa họ vào điều trị. Còn trong trường hợp không thể tự chẩn đoán, bác sĩ sẽ đề nghị hội chẩn theo quy định.

Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, có những quy định bắt buộc phải tổ chức hội chẩn. Ví dụ như đối với bệnh nhân khám lần thứ hai nhưng có chẩn đoán khác lần đầu hoặc với bệnh nhân có dấu hiệu bị tâm thần phân liệt hay động kinh sẽ bắt buộc phải được hội chẩn.

Đối với việc hội chẩn, bệnh viện có nhiều mức độ tùy theo tính chất bệnh và khả năng của từng cấp. Cụ thể, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I sẽ có hội chẩn trong khoa, cao hơn là hội chẩn liên khoa rồi hội chẩn toàn viện. Qua đó, việc gian lận trong việc chẩn đoán bệnh tâm thần gần như không thể.

Ngoài ra, riêng đối với những hồ sơ của người đang liên quan đến pháp lý, viện sẽ không tiếp nhận hội chẩn mà chuyển hồ sơ bệnh án sang Viện giám định Pháp y tâm thần Trung ương để đánh giá theo quy định.

Xin cám ơn ông!

 

Ngày 20/3, Công an Hà Nội bắt giữ Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi) và 6 người liên quan đường dây ma túy. Khám xét nơi Quý điều trị tâm thần, cảnh sát thu giữ hơn 6 kg ma túy.

Theo điều tra, Quý đã tạo lập mối quan hệ thân thiết với cán bộ bệnh viện. Lợi dụng việc này, anh ta đã cải tạo phòng điều trị thành phòng bay lắc cách âm, có loa công suất lớn, đèn trang trí để mời người bên ngoài vào sử dụng chất cấm.

Liên quan vụ án, Nguyễn Anh Vũ (cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) bị khởi tố về tội Không tố giác tội phạm. Ngày 1/4, Bộ Y tế đã đình chỉ công tác ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

 

Nữ bác sĩ kể lai lịch kẻ mở phòng 'bay lắc' trong BV Tâm thần Trung ương 1

Nữ bác sĩ kể lai lịch kẻ mở phòng 'bay lắc' trong BV Tâm thần Trung ương 1

Kẻ mở phòng 'bay lắc', tiệc ma túy trong Bệnh viên Tâm thần Trung ương 1 là người thoát chết trong vụ tai nạn làm 6 người chết vào năm 2016.

 

Theo Zing