Bạn đọc gửi câu hỏi tới VietNamNet: “Tôi ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội. Quê tôi ở Hưng Yên, trước dịch mẹ tôi lên nhà tôi ở Định Công do vợ tôi sinh em bé. Sau đó do Hà Nội giãn cách, mẹ tôi không về quê được. Mẹ tôi bị tiểu đường phải khám và lấy thuốc định kỳ theo tháng ở trung tâm y tế huyện ở quê. Hiện nay, mẹ tôi đã đến hẹn khám và lấy thuốc nhưng chưa về quê được. Trường hợp của mẹ tôi thì có được về quê khám, lấy thuốc không?”.
Công an kiểm tra giấy tờ của người đi đường ở chốt chặn vào vùng 1. Ảnh: Phạm Hải |
Ý kiến của bạn đọc đã được gửi tới cơ quan chức năng và được trả lời như sau:
Từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, Thành phố Hà Nội quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng.
Phân vùng 1 (vùng đỏ): Là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Gồm 15 đơn vị hành chính: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai.
Một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Phân vùng 2 (vùng vàng): Phân cách bởi hệ thống sông Hồng, Sông Đuống với Vùng 1. Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Phân vùng 3 (vùng xanh): Vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.
Như vậy, khu vực Định Công (Hoàng Mai) bạn ở thuộc vùng 1 (vùng đỏ) sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tới ngày 21/9 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”. Người dân chỉ ra đường khi có lý do chính đáng, phải có giấy đi đường với mã nhận diện do lực lượng chức năng có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu quy định phòng chống dịch của tỉnh nơi đến (cụ thể là Hưng Yên) với người về từ vùng có dịch. Từ 0h ngày 2/8, Hưng Yên không tiếp nhận người từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; trừ trường hợp đặc biệt phải được chủ tịch UBND tỉnh hoặc chủ tịch UBND cấp huyện cho phép nhưng phải có xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu hoặc giấy chứng nhận tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và kết quả test nhanh âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu.
Khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, người dân nên hạn chế di chuyển giữa các địa phương.
Trường hợp của mẹ bạn đọc, có thể khám chữa bệnh, mua thuốc ở cơ sở y tế tại Hà Nội. Theo quy định mới nhất, với cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ; đi tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid-19; người chăm sóc người bệnh và người xuất viện về): Không áp dụng giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMND).
Trong thời gian Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17, quý bạn đọc có những thắc mắc hay chưa nắm rõ những quy định nào trong đời sống, sinh hoạt hãy gọi điện cho báo VietNamNet theo số điện thoại 19001081 từ 8h30-20h hoặc địa chỉ email [email protected]. Chúng tôi sẽ liên lạc với các cơ quan chức năng để trả lời quý bạn đọc đầy đủ và nhanh chóng nhất có thể. |
>>> Xem thêm hỏi đáp Covid-19 mới nhất
Ban Thời sự
Quy trình mới về xét duyệt, cấp Giấy đi đường ở Hà Nội
Sáng ngày 5/9, Công an TP Hà Nội thông báo về quy định mới trong việc cấp, duyệt Giấy đi đường tại vùng 1, vùng áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng và một số biện pháp ở mức cao hơn.