- “Trong tâm trí của gia đình tôi ngày ấy đều coi rằng ông Giống đã hi sinh khi đi bộ đội, nhưng bằng điều kỳ diệu nào đó, ông đã trở về sau ngần ấy năm bặt vô âm tín”.
Chúng tôi tìm về nhà ông Lê Văn Giống (SN 1954, trú tổ 3, khu 7A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) trong một buổi chiều tháng 7.
Căn nhà cấp 4 xập xệ, cũ kỹ nằm lọt thỏm dưới chân núi, xung quanh là cây cối, rừng rậm. Trong căn nhà ấy, ông Giống gầy gò, mất tâm trí, nằm co quắp trên chiếc giường kê gạch, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người thân giúp đỡ.
Mọi sinh hoạt của ông Giống đều trên chiếc giường kê gạch |
Ít ai biết rằng, cách đây 42 năm, ông là một trong những người xung phong lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
Bà Vũ Thị Dung (64 tuổi, em dâu, người trực tiếp chăm sóc ông Giống) kể, từ khi anh chồng mình nhập ngũ thì chỉ về nhà một lần để chịu tang bố vào năm 1977 rồi quay lại đơn vị, từ đó không còn tin tức gì nữa.
Đau buồn hơn, đến 29/4/1995, gia đình nhận được giấy báo tử với nội dung: "Đồng chí Lê Văn Giống, đã hy sinh tháng 10/1977 tại biên giới Tây Nam, trong trường hợp mất tin trong chiến đấu; được xác nhận là liệt sĩ".
Căn nhà cũ kỹ hơn 40 năm là mái ấm của ông Giống |
Bất ngờ thay, năm 2010, người nhà thấy ông Giống ngồi gục trong bộ dạng rách dưới, bẩn thỉu tại km5 TP Cẩm Phả, từ đó đón ông về nhà chăm sóc.
“Trong tâm trí của gia đình tôi ngày ấy đều coi rằng ông Giống đã hi sinh khi đi bộ đội, thế nhưng bằng điều kỳ diệu nào đó, ông Giống đã trở về sau ngần ấy năm bặt vô âm tín”, bà Dung tâm sự.
Đón ông Giống về, tâm trí ông không ổn định, không nhớ được anh em họ hàng. Cả gia đình họp và ai cũng khẳng định đây là ông Giống, chắc chắn hơn, bên tay phải của ông có xăm hình chiếc mỏ neo và số 1954 (năm sinh của ông).
Ông được mẹ là cụ Phạm Thị Tý chăm sóc. Năm 2012, cụ Tý qua đời, từ đó ông Giống do bà Dung chăm nom. Ngoài ông Giống ra, bà Dung còn phải chăm sóc người chồng tâm thần là ông Lê Văn Tơ.
Cả tháng, ba con người ấy sống bằng nguồn tiền trợ cấp xã hội 800.000 của ông Giống và 1 triệu tiền lương hưu của ông Tơ.
Hàng ngày bà Dung nấu cháo cho chồng và ông Giống bằng bếp củi |
Qua các buổi làm việc, khi xác định được người này chính là ông Giống, cơ quan đoàn thể đã thu lại bằng Tổ quốc ghi công và cắt trợ cấp liệt sĩ đối với gia đình ông Giống.
Tiếp đó, phường Quang Hanh cũng xóa tên ông Giống tại nhà bia ghi tên liệt sĩ.
Tại Ban Chỉ huy quân sự TP Cẩm Phả vẫn còn giữ lại sổ giao quân năm 1975, sổ này có nội dung: ngày 20/2/1975, 17 thanh niên xã Quang Hanh (nay là phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) trong đó có ông Giống được giao quân cho Trung đoàn 5.
Trong nhà toàn đồ đạc cũ kỹ |
Theo lời bà Nguyễn Thị Nhàn (SN 1966, em dâu út của ông Giống) kể lại, ông Giống là con trai cả trong một gia đình có 7 người con (3 trai, 4 gái). Mấy anh em được đặt tên lần lượt là Giống, Kén, Tơ, Lụa, Lượt, Là, Mai, tất cả là con của cụ Lê Văn Tầm và cụ Phạm Thị Tý.
Cũng theo lời bà Nhàn, ông Giống trở về khi trong người không có giấy tờ tùy thân. Chính vì thế nên tuy đi nhập ngũ nhưng việc xin trợ cấp thương binh cho ông Giống vướng rất nhiều khó khăn.
Đôi bạn thân, người đi kẻ ở lại
Cạnh nhà ông Giống là ông Trần Ngọc Sinh (SN 1956) bạn thân thuở thiếu thời và nhập ngũ cùng ngày với ông Giống. Nhâm nhi chén nước chè, ông Sinh kể: Hai ông khi nhỏ chơi rất thân với nhau, ngày nào cũng đi bộ cùng nhau mấy cây số đường rừng để tới lớp học, học hết lớp 7 thì cả hai lên đường nhập ngũ.
“Tôi và anh Giống cùng nhập ngũ cùng ngày và được xếp vào trung đội 8, đại đội 4, Trung đoàn Giáp Văn Khương, đóng tại xã Hợp Thành, huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng)”, ông Sinh tâm sự.
Ông Sinh cho biết thêm, sau khi vào miền Nam ngày 15/3/1975, cả hai ông được phân vào đơn vị E11, tỉnh đội Sông Bé, Quân khu 7.
Ông Trần Ngọc Sinh là bạn thân của ông Giống. |
Năm 1978, cả hai ông đều sang Campuchia chiến đấu, từ đó mất liên lạc. “Ngày trở về, tôi ngỡ được gặp lại anh Giống, nhưng trong đám người què cụt, không có anh Giống, tôi cứ ngỡ anh ấy đã hy sinh. Mấy năm trước anh trở về cũng không nhận ra tôi là ai”, ông Sinh nghẹn ngào.
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch phường Quang Hanh Trương Văn Pha xác nhận, ông Lê Văn Giống có tham gia nghĩa vụ từ những năm 1975. Ông Pha cũng cho biết thêm, năm 1995 phường Quang Hanh xác nhận ông Giống là liệt sỹ và ghi tên lên bia tưởng nhớ liệt sỹ và đã xóa đi vào năm 2010 do ông Giống bất ngờ trở về.
Cũng theo ông Pha, hiện ông Giống thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 800.000 đồng mỗi tháng.
“Khi trở về, ông Giống không có bất cứ giấy tờ nào về việc tham gia chiến đấu tại miền Nam, tất cả đã bị thất lạc, cho nên việc hỗ trợ sau khi đi nghĩa vụ đối với ông Giống là rất khó”, ông Pha nói.
Liệt sĩ trở về sau 50 năm hy sinh
Người thân lấy ngày 29/5 hằng năm làm ngày giỗ của ông, trong khu mộ của gia đình cũng làm một mộ gió. Nhưng 50 năm sau, bỗng nhiên ông nhớ lại rồi tìm về gia đình trong sự ngỡ ngàng của người thân và cả chính ông.
Bộ trưởng day dứt vụ nằm nghĩa trang 75 năm không được liệt sĩ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở khi hồ sơ người có công còn tồn đọng nhiều, có nhiều trường hợp đặc biệt, áp dụng án tại hồ sơ suốt 75 năm không được công nhận liệt sĩ.
Thủ tướng dự lễ tri ân các anh hùng, liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” để tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ.
Cắt nhầm chế độ của mẹ liệt sĩ 103 tuổi
Ba tháng gần đây mẹ liệt sĩ Lê Thị Vinh bỗng nhiên bị cắt bớt chế độ "liệt sĩ nuôi dưỡng". Phòng ban chức năng ở huyện Hương Khê thừa nhận việc cắt nhầm.
Phạm Công