Anh Nguyễn Văn Tiến (trú tại xã Nghi Ân, TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, hằng năm, qua rằm tháng Chạp, nhóm buôn của anh bắt đầu lên các huyện miền núi Nghệ An như Kỳ Sơn, Quế Phong tìm mua đào về bán Tết.
“Tất cả đào mua đều là do người dân trồng chứ không có đào rừng. Mỗi vườn, rẫy đào đều có chủ, sau khi trả giá với người dân mới được phép chặt. Giá mỗi cây giao động từ 500 nghìn đến cả chục triệu đồng. Đào chặt xong được chất lên xe tải lớn, chỉ cần không vi phạm luật giao thông, xe sẽ về xuôi ngay trong ngày”, anh Tiến kể.
Cây đào được người dân xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn trồng và bán mỗi dịp Tết |
Tuy nhiên, do năm nay Chính phủ yêu cầu không khai thác đào rừng nên anh và rất nhiều dân buôn khác thấy chưa rõ về thủ tục xác nhận nguồn gốc cây đào, cũng quá trình thực hiện của cơ quan chức năng.
“Qua báo đài, tôi có nắm được một tỉnh miền Bắc yêu cầu xác nhận của chính quyền địa phương mới được chặt và mang đào đi. Tuy nhiên, các xã ở miền núi thường rất rộng, giao thông đi lại khó khăn nên việc xác nhận nguồn gốc cây đào rất khó. Phải chở đào lên UBND xã xác nhận hay cán bộ về từng vườn? ”, anh Tiến cho hay.
Nghệ An không có đào rừng
Liên quan đến nguồn gốc cây đào, ông Đặng Xuân Minh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Nghệ An khẳng định, tỉnh không có đào rừng, trong rừng không có đào, chỉ có đào người dân trồng.
Người dân buôn đào Tết tại TP. Vinh vào năm ngoái |
“Nếu có đào rừng chúng tôi sẽ lên phương án triển khai ngay. Tuy nhiên, Nghệ An không có đào rừng nên người dân có thể chặt, buôn bán đào nhà bình thường, không cần xin giấy tờ chính quyền địa phương. Phải khuyến khích cho người dân làm ăn, phát triển kinh tế,” ông Minh thông tin.
Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, huyện đang chờ văn bản hướng dẫn từ Trung ương. Hiện tại, người dân địa phương vẫn có thể mua bán, vận chuyển cây đào như bình thường.
“Huyện Quế Phong không có đào rừng, chỉ có đào người dân trồng trên nương, rẫy. Người dưới xuôi gọi đào rừng vì được trồng trên miền núi. Để phát triển kinh tế cho đồng bào người Mông, trước đây huyện có hỗ trợ cây giống và kỹ thuật. Một số xã nhiều đào gồm Tri Lễ, Nậm Nhóng, Nậm Giải…”, ông Hiền nói thêm.
Hoa đào nở khi Xuân về |
Kiểm lâm khẳng định ở Nghệ An không có đào rừng, chỉ có đào do người dân trồng trong vườn, nương, rẫy |
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, vừa qua, một số huyện trồng nhiều cây đào có làm việc với UBND tỉnh, kiểm lâm về vấn đề hướng dẫn xác định nguồn gốc cây đào. Tuy nhiên, vì Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn nên tỉnh và huyện cũng chưa có phương án cụ thể.
“Chúng tôi chỉ hướng dẫn người dân có đào trồng trong vườn, nương, rẫy nếu bán đào thì đến thông báo bằng miệng với chính quyền địa phương. Tại thời điểm này huyện cũng chưa nhận được bất kỳ văn bản nào nên không thể tự ra văn bản. Nếu không có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng thì dù xã có xác nhận nguồn gốc thì cơ quan quản lý khác cũng không chấp nhận”, ông Rê nói
Tại Nghệ An, cây đào được trồng nhiều ở các huyện miền Tây như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu. Tuy nhiên, vì diện tích trồng không tập trung, nằm rải rác ở các vườn, nương rẫy của người dân nên vẫn chưa có thống kê diện tích cụ thể.
Xe chở đào từ vùng cao đầu tiên được 'giải cứu'
Kiểm lâm huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) vừa hướng dẫn các thủ tục để một xe chở đào trồng ở vùng cao được vận chuyển, lưu thông, sau khi bị chính quyền xã yêu cầu chứng minh nguồn gốc.
Quốc Huy – Phạm Tâm