Chốt phong tỏa trên đường Thạnh Lộc 48 vắng vẻ, người dân xung quanh chủ động ở trong nhà, không ra đường để phòng dịch. |
Tận dụng sản vật sẵn có
Chiều 30 Tết Tân Sửu, những hộ dân nằm trong các khu phong tỏa tại quận Bình Tân, quận 12 (TP.HCM) tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch của cơ quan chức năng địa phương.
Tuy nhiên, do là ngày cuối năm, theo truyền thống, nhiều gia đình thực hiện việc cúng tất niên tại nhà. Việc này trở nên hết sức khó khăn đối với những gia đình chưa kịp chuẩn bị các thực phẩm, sản vật cần thiết.
Chị Triệu Thị Minh Khoa (43 tuổi, có nhà trong khu phong tỏa hẻm 60/40 đường Nguyễn Văn Cự, Quận Bình Tân) cho biết, cả khu vực bị phong tỏa bất ngờ nên chưa ai chuẩn bị được gì cho Tết, nhất là cúng tất niên cuối năm.
"May mà hôm rồi, chúng tôi nhận được quà của Nhà nước. Ở đây có nhiều cây trái như chuối, đu đủ lắm, chắc hái xuống cúng luôn…Thôi thì có gì cúng đó”, chị Khoa lạc quan nói.
Người dân trong khu phong tỏa nhận nhu yếu phẩm từ chính quyền địa phương, mạnh thường quân để chuẩn bị cúng giao thừa, đón Tết. |
Trong khi đó, đa các hộ dân sinh sống trên con hẻm 67/40 đường Nguyễn Thị Tú (Quận Bình Tân) lại chọn phương án “cầu cứu” người thân để có đồ cúng tất niên.
Ngay từ sáng 30 Tết, các gia đình nằm trong khu phong tỏa này đã liên hệ với người thân, nhờ mua giúp, gửi vào các vật phẩm cần thiết để tiễn năm cũ, đón năm mới.
Việc “tiếp tế” thực phẩm cho người thân bên trong khu vực bị phong tỏa tại hẻm 67/40 đến chiều 30 Tết Tân Sửu vẫn tấp nập. Những người này mua quà tết, bánh, trái cây, giỏ quà… đến khu vực trước con hẻm bị phong tỏa.
Tại đây, mọi người xếp hàng, dùng điện thoại gọi người thân bên trong ra khu vực bàn nhận tại chốt phong tỏa. Quà, thực phẩm sẽ được các cán bộ trực tại chốt nhận, sát khuẩn rồi trao lại cho người ở bên trong...
Một người phụ nữ mua nhu yếu phẩm, quà Tết đến cho gia đình người thân trong khu phong tỏa hẻm 67/40 đường Nguyễn Thị Tú. |
Một người đến gửi thực phẩm cho người thân tại hẻm 67/40 đường Nguyễn Thị Tú tâm sự: “Tôi có người anh thuê nhà trong hẻm. Năm nay, chúng tôi không về quê vì dịch bệnh. Ai ngờ, ở lại TP cũng không thể ăn Tết cùng nhau. Tôi mới đi mua giúp anh ấy ít hoa trái để gia đình đón giao thừa”.
Trông chờ dịch vụ giao hàng nhanh
Không có bà con, người thân tại TP.HCM, gia đình chị Hoàng Thị Hồng (ngụ hẻm 60/40, nguyễn Văn Cự) lựa chọn dịch vụ giao hàng trực tuyến. Chị Hồng nói, nhà không còn gì ngoài mấy trái dừa và ít khoai môn nên chẳng thể làm lễ cúng.
“Không có bà con ở gần nên tôi mua hàng qua điện thoại, đặt Grab chuyển đến khu vực chốt phong tỏa. Tuy nhiên, việc này cũng hạn chế vì chỉ mua được các thực phẩm, món ăn lặt vặt thôi chứ không thể mua những thứ mình cần”, chị Hồng nói.
Chiều 30 Tết Tân Sửu, rất nhiều người gửi thực phẩm, vật dụng vào trong khu phong tỏa. |
Tuy vậy, việc đặt dịch vụ giao hàng nhanh trở thành lựa chọn duy nhất của các hộ gia đình không có người thân tại TP. Chiều 11/2, PV ghi nhận nhiều nhân viên giao hàng có mặt trước con hẻm 67/40 Nguyễn Thị Tú.
Trong khi đó, khu phong tỏa trên đường Thạnh Lộc 48 (phường Thạnh Lộc, Quận 12) lại khá vắng vẻ. Ngoài lực lượng làm nhiệm vụ, nơi đây không có người dân đến tiếp tế lương thực cho các hộ dân bên trong khu phong tỏa.
Trao đổi với VietNamNet, bà Võ Mỹ Thảo Vân, Phó Chủ tịch phường Thạnh Lộc cho biết, các hộ dân và dãy phòng trọ nằm trong khu phong tỏa đã được đoàn thể của phường, mạnh thường quân hỗ trợ rau củ, quả, nhu yếu phẩm để đón Tết.
Các hộ không có người thân buộc phải sử dụng dịch vụ giao hành nhanh. |
Tính đến thời điểm hiện tại, phường đã hỗ trợ cho những hộ gia đình trong khu phong tỏa 2 đợt rau, củ, quả. “Nguồn thực phẩm này do các nhà vườn ở gần phường hỗ trợ. Các ban ngành đoàn thể của phường chỉ bỏ sức vận chuyển, cung cấp cho người dân thôi”, bà Vân nói thêm.
Nữ chủ tịch phường cũng cho biết, hầu hết các hộ dân trong khu phong tỏa đều không gói, nấu bánh chưng, bánh tét truyền thống. Bởi, ngày 10/2, Mặt trận tổ quốc Quận 12, mạnh thường quân đã tặng cho các hộ dân những phần bánh chưng làm quà Tết.
Việc tiếp tế lương thực cho các hộ dân nằm trong khu vực bị phong tỏa diễn ra từ sáng đến cuối ngày 30 Tết. |
“Chiều cuối năm, các hộ dân chỉ nấu bữa cơm thông thường để cúng giao thừa chứ không gói, luộc bánh chưng, bánh tét như mọi năm. Bởi, các nhu yếu phẩm khác như: rau, trái cây, mì, gạo, nước tương, nước mắm, bánh chưng… chính quyền phường và các mạnh thường quân đã hỗ trợ người dân rồi”, chị Vân thông tin thêm.
Khu phong tỏa ở Sài Gòn: Cả hẻm không một chậu hoa, nhà chỉ có trái dừa trưng Tết
Bất ngờ bị phong tỏa, các gia đình trong vùng dịch không kịp chuẩn bị Tết. Ngoài việc cả hẻm không có một chậu hoa Tết, nhiều hộ chỉ có trái dừa để cúng giao thừa.
Bài và ảnh: Nguyễn Sơn