Dự kiến, ngày 24/11 tới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và một số bộ, ngành.

Trước thềm hội nghị, trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, đây là sự kiện rất lớn, đánh dấu quyết tâm của Đảng trong khắc phục những hạn chế, yếu kém về văn hóa thời gian qua cũng như tìm ra các giải pháp hiệu quả, giải quyết những vấn đề tồn tại.

{keywords}
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Hương Quỳnh

Theo ông Nguyễn Viết Chức, sau 35 năm đổi mới, lĩnh vực văn hóa có những thành tựu rất lớn. Thứ nhất, về mặt nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, nhất là trong nhân dân về ý nghĩa vai trò của văn hóa. Thứ hai, nói đến văn hóa là nói đến con người, con người Việt Nam hiện nay thay đổi cả về tư duy, cách sống, lao động, cách thích ứng với đời sống hiện đại, tiến bộ và văn minh hơn trước rất nhiều…

Song, ông cho rằng, cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, trong phát triển kinh tế có vấn đề chúng ta chưa quan tâm đúng mức về văn hóa nên tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống buông thả, tệ nạn xã hội, mại dâm, cờ bạc… đang ở mức đáng báo động. 

Đề cập nguyên nhân của những hạn chế trên, ông Nguyễn Viết Chức chỉ rõ, nguyên nhân lớn nhất đó là sự quan tâm đến văn hóa chưa tương xứng với lĩnh vực kinh tế và chính trị, đầu tư chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, có xu hướng thiên lệch về chức năng giải trí đơn thuần.

“Văn hóa không phải chỉ là chuyện giải trí, đàn ca hát múa mà còn là những chuyện lớn hơn, đặc biệt là con người”, ông Chức nói.

Theo ông, những nguyên nhân trên dẫn đến hệ lụy rất lớn, thậm chí nhiều người nhìn nhận không được toàn diện thì cảm thấy văn hóa thụt lùi đến mức độ bảo “ước gì kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa”. 

Ông chia sẻ, chưa bao giờ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lại có khuyết điểm lớn như vậy, chưa bao giờ trong xã hội tình làng nghĩa xóm, một số chuẩn mực đạo đức truyền thống đang bị xói mòn. 

Tại hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa qua, Đảng đặt ra một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt đội ngũ cán bộ chiến lược, người đứng đầu phải có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm với nhiệm vụ, điều này thể hiện việc xác định đúng đắn và mang tính văn hóa rất nhiều. 

“Có năng lực cũng là có trình độ văn hóa thật chứ không phải học giả, bằng giả, thậm chí bằng thật nhưng học giả thì không ăn thua. Muốn có phẩm chất uy tín dứt khoát phải có văn hóa”, ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Ông cho rằng, để đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực cho cán bộ cao cấp và lãnh đạo quản lý, thì đầu tiên phải đào tạo con người, xây dựng con người để phát triển văn hóa. Phải đào tạo con người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, con người Việt Nam phải có lòng yêu nước, tự trọng và phải có chí tiến thủ, ý chí quật cường để vươn lên chứ không chịu tụt hậu. 

Muốn được như vậy thì văn hóa phải là nền tảng tinh thần của xã hội, phải xây dựng văn hóa con người.

Đầu tư cho văn hóa phải thật tương xứng

Đề cập đến giải pháp khắc phục những hạn chế, ông Nguyễn Viết Chức lưu ý việc nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về văn hóa, quán triệt sâu sắc những quan điểm của Đảng về văn hóa, quán triệt không chỉ trong hội nghị mà trong vận hành thực tiễn.

Tiếp đó, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm quản lý, lãnh đạo văn hóa phải thực sự “vừa hồng vừa chuyên”, nếu không hiểu về văn hóa thì không thể làm quản lý về văn hóa được.

Ngoài ra, cần có những hành động cụ thể, giữ gìn tinh hoa văn hóa, giữ gìn  bản sắc văn hóa dân tộc nhưng phải tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Sự nghiệp văn hóa phải là sự nghiệp của toàn dân, không phải của vài người làm văn hóa. Vận động sức mạnh toàn dân trong xây dựng văn hóa, xây dựng con người.

Việc đầu tư cho văn hóa phải thật tương xứng, đúng mức để đảm bảo có hiệu quả chứ không phải đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Bên cạnh đó, có tiếp cận cách thức mới, ngoại giao văn hóa để làm sao người Việt Nam càng ngày càng được yêu mến, uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, muốn như vậy phải biểu hiện văn hóa chứ không phải phô trương sức mạnh.

Hương Quỳnh

Ban Bí thư chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc

Ban Bí thư chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc

Dự kiến, ngày 24/11 tới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và một số bộ, ngành.