TS Tadashi Yamamura, chuyên gia LHQ về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản hôm qua có công văn báo cáo và thông báo lùi thời gian lấy mẫu, đánh giá và công bố kết quả giai đoạn thí điểm làm sạch sông Tô Lịch.
Trong công văn có nội dung cho rằng, việc Hà Nội xả hơn 1 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch khiến toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt gần 2 tháng qua trong chốc lát bị cuốn trôi, bây giờ phải làm lại từ đầu.
Sáng nay, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương thông tin, đó mới chỉ là ý kiến một chiều từ phía đơn vị thí điểm (công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt - JVE).
Cống hồ Tây xả nước vào sông Tô Lịch ngày 9/7 |
Ông Sương cho hay, theo đánh giá của công ty thoát nước, hiện tại nước ở Hồ Tây đã có hiện tượng ô nhiễm và cá chết. Việc xả nước là chuyện bình thường và hiển nhiên.
"Chúng tôi vận hành theo quy trình hệ thống thoát nước của TP. Lượng mưa lớn khiến nước hồ Tây lên cao, đạt ngưỡng mức nước tối đa nên bắt buộc phải xả ra để đảm bảo an toàn, chống ngập.
Đây là quy trình vận hành hàng năm, năm nào có trận mưa lớn theo mực nước khống chế, Hà Nội cũng xả nước hồ Tây để điều tiết phòng chống úng ngập.
Chúng tôi vừa xả nước xong thì vài ngày sau có trận mưa to. Lượng nước mưa lớn và nhanh như vậy đổ dồn vào hồ mà không có điều tiết thì sẽ xảy ra tình trạng ngập", ông Sương nói.
Dòng nước hồ Tây chảy qua khu vực thí điểm công nghệ làm sạch bằng công nghệ của Nhật Bản |
Công ty cũng đã có thông báo cụ thể về việc xả nước đối với các đơn vị có liên quan, trong đó có cả JVE.
Phó tổng giám đốc công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, bản chất sông Tô Lịch là dòng tiêu thoát chính, đã gọi là dòng sông thì phải có nước chảy.
Ông bày tỏ, phía Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản chưa có bất cứ phản hồi chính thức nào về vấn đề họ nêu ra đối với công ty.
"Việc xử lý ô nhiễm môi trường trên sông Tô Lịch rất quan trọng nhưng đảm bảo phòng chống úng ngập cũng là nhiệm vụ song song, không thể chỉ quan trọng một việc", ông Sương cho biết thêm .
Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản theo chỉ đạo của Thủ tướng và UBND TP Hà Nội được khởi động ngày 16/5. Sau 2 tháng, JVE sẽ lấy kết quả báo cáo Thủ tướng và UBND TP Hà Nội.
Ngày 9/7, công ty Thoát nước Hà Nội đã cho mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch, JVE cho rằng việc làm này khiến kết quả thí điểm bị ảnh hưởng.
Triệu khối nước cuốn trôi, chuyên gia Nhật chờ sông Tô Lịch đen trở lại
Đơn vị thí điểm công nghệ Nhật Bản cho rằng 1,5 triệu m3 nước hồ Tây đổ vào sông Tô Lịch đã cuốn trôi vi sinh vật có lợi nên xin thêm 2 tháng thí điểm.
Thành Nam - Hương Quỳnh