Để tìm hiểu về sự tăng trưởng cũng như giá trị của loại sản vật này, chúng tôi đã vượt hơn 200km từ TP Đà Nẵng, trong đó có hơn 100km đường đèo dốc khúc khuỷu lên đỉnh Ngọc Linh (huyện Nam Trà My).
Huyện Nam Trà My nằm ở vùng Tây Nam của tỉnh Quảng Nam, trên ngã ba ranh giới giữa tỉnh Quảng Nam với hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Hơn 3h30 phút chạy xe quanh co sườn núi từ TP Tam Kỳ, chúng tôi có mặt ở đỉnh Ngọc Linh vào những ngày cuối năm Tân Sửu với mong muốn tận mắt nhìn thấy hình hài cây sâm Ngọc Linh - "báu vật" sinh trưởng trong rừng...
Vượt đèo đi tìm "báu vật"
Chạy dọc những con đường trải dài triền núi từ TP Tam Kỳ lên đến huyện Nam Trà My, cảnh vật miền sơn cước khiến chúng tôi choáng ngợp khi bên trái là núi, bên phải là vực sâu hun hút. Nhiều đoạn run sợ bởi những đoạn sạt lở chưa thu dọn xong vẫn còn nguyên cảnh báo "nguy hiểm". Những quả đồi nằm sát lề đường chực trào xuống bất cứ lúc nào. Chúng tôi vẫn đi, chỉ mong trời không mưa...
Để đi qua đoạn đường này, mọi người phải đi bộ, thuê xe máy đi thêm 10km tới vườn sâm... |
...Và gặp không ít điểm sạt lở đang được người dân thu dọn, sửa chữa |
Đến trung tâm huyện Nam Trà My thì trời đã đứng bóng, thời tiết ở đây bắt đầu lạnh dần, một số bảng hiệu lớn giới thiệu về sâm Ngọc linh nằm rải rác trên trục đường chính.
Sau 30 phút nghỉ trưa, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến vườn sâm Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) theo chỉ dẫn của một người dân bản địa. Con đường từ trung tâm huyện đến với vườn sâm bắt đầu gian nan từ đây. Đường đi ngoằn ngoèo, những con dốc gần 40 độ, nhiều đoạn gấp khuỷu tay hoàn toàn che hết tầm nhìn.
Đến điểm giáp ngã ba lên vườn sâm của huyện Nam Trà My, chúng tôi mắc kẹt vì đường lầy lội do trận mưa cách đó ít hôm làm đất đá tràn xuống, lòng đường lầy lội, nhão nhoét. Để di chuyển chúng tôi buộc phải thuê xe máy...Chúng tôi được người dân chở trên 2 chiếc xe máy chuyên dụng vượt các con dốc dựng đứng để được chạm tay vào "báu vật" trong rừng.
Cầu dây văng được bắc giữa rừng dẫn lối đến các vườn sâm |
Một vườn sâm đang kỳ ngủ đông |
Chạy xe gần 10km, chúng tôi gặp được người canh giữ vườn sâm của huyện - anh Nguyễn Mạnh Tuấn và tiếp tục hành trình...
Mục sở thị cây sâm "tí hon" giá khủng
Do vừa hứng chịu một trận mưa nên đường trơn trượt, chúng tôi phải dìu nhau qua những con đường gập ghềnh, một bên là dãy núi hùng vĩ, bên còn lại là vực sâu. Đi bộ chừng 300m, anh Tuấn dừng lại giới thiệu cho chúng tôi một vườn Đảng sâm (loại sâm ở phía Nam, sống được không cần tán rậm) được rào lưới B40.
Cây sâm len lỏi trong lùm cây bụi nên để nhìn thấy hoàn toàn không dễ. Những cây sâm này chỉ là sâm bình thường, để tìm đến “báu vật” vùng này phải đi vào rừng sâu thêm nữa.
Leo qua những con dốc dựng đứng khoảng chừng 10 phút, chúng tôi tiếp cận đến con đường được xây dựng bằng bậc thang bê tông. Rảo bước tiếp tục đến với vườn sâm, chúng tôi ngang qua một cây cầu dây văng bằng thép.
Anh Tuấn giới thiệu cây sâm |
Với độ cao hơn 1.400m, cảnh vật hùng vĩ, khu rừng bảo tồn vẫn còn nguyên sinh, nhiều cây lớn đến vài người ôm, dòng suối chảy róc rách dưới tán rừng...
Leo được một đoạn, anh Tuấn giới thiệu, hiện ở đây đang quy hoạch 84ha rừng trồng sâm Ngọc Linh, huyện đang quản lý và trồng khoảng 3,5ha. Sâm được trồng ở độ cao hơn 1.400m, dưới những tán rừng nguyên sinh, độ che phủ phải hơn 80%, nhiệt độ giao động ở 20 độ trở xuống.
Băng qua một cây cầu gác ngang, chúng tôi được anh Tuấn giới thiệu những vườn sâm đầu tiên đang kỳ ngủ đông (cây chưa ngoi lên mặt đất - PV). Vườn sâm được bao quanh bởi hàng rào B40 rộng khoảng hơn 30m vuông. Sâm được trồng trong các luống chiều dài khoảng 5m, chiều rộng 2m, một vườn như vậy sẽ có 3 luống sâm sát nhau.
Một cây sâm Ngọc Linh được anh Tuấn giới thiệu có giá bán khoảng 2 triệu đồng |
Đi thêm một đoạn chúng tôi được chiêm ngưỡng “Vườn sâm giống 5 tuổi” được rào chắn cẩn thận. Ở đây chúng tôi may mắn được anh Tuấn cho xem cây sâm đã có củ. Cây sâm lọt thỏm giữa luống, cao khoảng 10cm, củ được ủ dưới một lớp lá cây mục...
Rào chắn xong vườn sâm, anh Tuấn cho hay: "Tuy chăm sóc, trông nom vất vả nhưng giá trị kinh tế thu được cao nên 100% người dân xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) đều trồng. Người ít vài trăm gốc, người nhiều cũng vài ha nên một số giàu nhanh lắm...".
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng tự hào khi sâm Ngọc Linh hiện đã giúp khoảng 30% dân số của huyện thoát nghèo. Năm 2015 huyện đầu tư trong việc phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đến nay, đã có 2.500 hộ trồng sâm, trên 7 xã với diện tích hơn 2.000 ha.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có tờ trình Chính phủ về “chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045”. Mục tiêu của chương trình là việc phát triển cây sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp sản xuất sâm, đạt thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam; đưa ngành sản xuất và chế biến sâm Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây sâm Việt Nam. Đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc; hằng năm sản xuất ra được từ 500 - 1.000 tấn. Cùng với đó, chương trình còn hướng đến mục tiêu gìn giữ, bảo tồn 750.000 ha rừng tự nhiên (chủ yếu là rừng phòng hộ, đặc dụng); trồng được 1.250.000 ha rừng, trong đó trồng mới 150.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng lại 600.000 ha rừng sau khai thác; nâng che phủ của rừng lên 65% vào năm 2045. |
Kiều Oanh - Công Sáng
Tâm tư người giữ ‘báu vật’ trên đỉnh Ngọc Linh
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn đã gắn bó với vườn sâm Tắk Ngo 7 năm nay. Với anh, thời gian ở rừng còn nhiều hơn ở nhà và việc trông giữ cây sâm Ngọc Linh không khác chăm con mọn.
Trồng cây xây nhà, những đổi thay của người dân miền sơn cước
Từ việc trồng sâm Ngọc Linh, người dân ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã thoát nghèo, cuộc sống nhiều hộ dân đã thay đổi không ngờ.