Tránh “biết rồi nói mãi” về ô nhiễm môi trường

“Hơn lúc nào hết phải cương quyết bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, trong đó phải quán triệt bảo vệ môi trường. Nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra thực trạng hiện nay, chưa nhận thức đúng mức, chưa cương quyết nên tình trạng ô nhiễm môi trường lặp đi, lặp lại, nhiều nơi nhức nhối.

{keywords}
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu góp ý dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 

Vì vậy, cùng với việc sửa luật này, cần có một nghị định tương tự với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền giáo dục cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.

Dẫn chứng tác động của Nghị định 100 (xử phạt vi phạm giao thông) giúp tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn”.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, “dọc bờ sông, bãi biển còn bẩn lắm” nhưng cứ nói mãi mà không ai chịu bảo vệ.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

“Bộ máy đông nhưng yếu, không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân về vấn đề này. Đây là khuyết điểm. Sửa luật để nâng cao hơn nữa  trách nhiệm của mình trước dân. Bộ máy phải mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra”, Thủ tướng khẳng định và cam kết Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để có hành động mạnh mẽ hỡn nữa, tránh “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho rằng, nguyên tắc làm sao tốt hơn về quản lý nhà nước nhưng phải phân cấp, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát.

{keywords}
 Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho rằng, nguyên tắc làm sao tốt hơn về quản lý nhà nước nhưng phải phân cấp và rõ trách nhiệm

Những gì Bộ TN&MT phải làm, những gì thuộc về địa phương thì địa phương phải chịu trách  nhiệm về việc này, và giao thẩm quyền cho họ, họ phải chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho chính họ chứ không ai khác.

Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải khắc phục được việc đi xin quá nhiều giấy phép: “Hiện nay mỗi lần để làm một dự án tôi thấy dài quá. Làm sao chúng ta tích hợp lại 4 giấy phép thôi. Một là giấy phép quy hoạch, hai là giấy phép đầu tư, ba là giấy phép xây dựng và thứ tư là giấy phép kinh doanh”.

Trung ương đến địa phương ''giật mình'' khi xảy ra sự cố môi trường

Tại đoàn Hà Nội, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đề nghị phải có thêm vấn đề bảo vệ an ninh nguồn nước. Bà phân tích năm 2019 đã xảy ra ô nhiễm sông Đà, nếu không kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm cho hàng triệu người dân thủ đô. Sau khi sự cố xảy ra từ TƯ đến địa phương mới ''giật mình'' khi bảo vệ an ninh nguồn nước còn quá sơ hở.

"Đặc biệt khi tình trạng các nước đầu nguồn sông Mekong tiếp tục chặn nguồn nước thì bảo vệ nguồn nước trong nội địa thế nào, đó là phải tái sử dụng, tuần hoàn, bảo vệ an ninh nguồn nước chặt chẽ",  bà Khánh nói thêm.

Về bảo vệ môi trường không khí, theo bà  Khánh trong dự thảo còn quy định chung chung, không rõ trách nhiệm cụ thể, nhất là thời gian qua khi Hà Nội đã trải những cảnh báo ô nhiễm đến mức phải khuyến cáo người dân đóng cửa, không ra khỏi nhà hay có lúc ô nhiễm không khí đứng nhất thế giới.

Bà Khánh cho biết: "Rõ ràng ở đây rất nguy hiểm, bởi 5 phút không thở được đã là sang thế giới bên kia rồi. Trong dự thảo Bộ TN&MT đưa ra trách nhiệm dàn trải quá, chẳng rõ trách nhiệm của ai, để rồi sự cố xảy ra thì không biết kêu ai".

Về bảo vệ môi trường nơi công cộng, bà Khánh đồng tình với quy định là phải phân loại rác thải, tuy nhiên theo bà khi theo dõi luật bảo vệ môi trường từ năm 2005 đến nay lúc nào cũng quy định phân loại rác thải từ nguồn nhưng không ai thực hiện.

"Ở châu Âu, bao giờ cũng có 3 thùng đựng rác lớn để riêng là rác thải hữu, vô cơ, rác nguy hại, còn chúng ta cứ nói mãi vẫn còn tình trạng thu gom chung một chỗ" bà Khánh dẫn chứng.

Từ đây bà nêu thực tế: "Khi ĐBQH đi kiểm tra, giám sát ở tỉnh thì người ta nói không muốn phân loại rác để còn tính tiền với nhà nước...Ở nhiều nước người ta không để một thùng rác như ở Việt Nam. Người ta nói là nếu để một thùng rác thì có liên quan đến lợi ích nhóm trong xử lý rác thải, những chuyện này là có thật".

Nên bà Khánh đề nghị dự thảo phải quy định chặt chẽ việc phân loại rác thải từ nguồn, phải cụ thể hoá trong luật để không còn lợi ích nhóm trong vấn đề xử lý rác thải.

Phát biểu với tư cách cơ quan soạn thảo dự luận, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ những đổi mới từ dự thảo luật. Dự luật này cắt giảm 40% thủ tục hành chính, nhưng không buông lỏng việc quản lý môi trường.

{keywords}
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham gia thảo luận 

“Điều này xuất phát từ tư tưởng khoa học, trước nay quản lý tất cả, nhưng trong đó 80% là những DN không gây ô nhiễm. Trong khi đó, chỉ khoảng 5% DN trong lĩnh vực ô nhiễm mà trước nay chưa xác định đâu là lĩnh vực tiềm năng cho đến khi có sự cố Formosa. Bây giờ, chúng tôi sẽ khoanh lại những lĩnh vực nào tổng lượng thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao có 17 nhóm được quy định trong luật này”, Bộ trưởng lý giải.

Từ đó, dự thảo quy định hậu kiểm thay cho tiền kiểm,cắt giảm 40%, giảm hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Hà dẫn chứng, hiện 100% DN phải quan trắc định kỳ mỗi năm 2 lần thì có 80% DN không ô nhiễm, tiền quan trắc cũng hàng chục nghìn tỷ.

“Cải cách này vừa thông thoáng, vừa tập trung nhân lực quản khoảng 5% DN ô nhiễm. Đây là nội dung này xuyên suốt từ khâu đánh giá môi trường chiến lược… đến chứng nhận môi trường”, Bộ trưởng TN&MT nói.

Một điểm mới trong dự luật này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là vấn đề phân cấp. Bây giờ gần như cái gì thuộc về Quốc hội, Chính phủ, dự án lớn thì Bộ TN-MT chịu trách nhiệm. Còn dự án nào mà liên quan an ninh quốc phòng thì do quốc phòng và công an. 

Ông Hà cũng cho biết dự luật lần này phân cấp cho địa phương được đóng cửa các dự án có vấn đề về môi trường tại địa phương mình. UBND tỉnh cũng chịu trách nhiệm và phân cho từng cấp xử lý những vấn đề cụ thể và làm rõ trách nhiệm cá nhân trong từng vụ việc.

Bộ trưởng TN-MT cũng khuyến khích các địa phương như Hà Nội có thể đưa ra quy chuẩn phương tiện, xe cộ cao hơn ở khu vực trung tâm để giảm ô nhiễm.

Trần Thường - Thu Hằng - Hương Quỳnh

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.