Từ sáng sớm đến tối mịt, trên khắp nẻo đường ở huyện Giồng Trôm và Ba Tri (Bến Tre) có hàng chục chiếc xe máy cày kéo rơ-moóc chở bồn chứa nước loại 1 - 2m3 hối hả chạy cung cấp nước cho người dân khắp nơi.

{keywords}
Những xe công nông chạy dập dìu chở nước ngọt đi giao ở Bến Tre 

Gần 12h trưa, bà Bảy ở thị trấn Giồng Trôm bồn chồn vì chưa thấy xe nước tới nên móc điện thoại gọi: “Chở nước nhà tôi chưa chú”.

Nghe người chở nước bảo chiều mới tới lượt gia đình bà, giọng thiểu não bà Bảy nói: “Hết nước hôm qua tới giờ, nên có tắm rửa gì đâu. Chiều mà họ không chở nước chắc mang xô sang nhà xóm xin ít nước về dùng đỡ”.

{keywords}
Người dân Bến Tre mua nước ngọt bơm vào bồn chứa để dành sử dụng 

Người dân Giồng Trôm cho biết, cuộc sống của họ đảo lộn từ sau Tết Nguyên đán tới giờ, bởi nước máy hay nước dưới các kênh, rạch đều đã nhiễm mặn và gần như không còn hộ nào có nước ngọt trữ trong bồn xi măng hay phuy nhựa để sử dụng.

Chị Vân bán quán nước ở xã Bình Thành, Giồng Trôm cho biết, nước máy nhiễm mặn cả tháng nay. “Từ khi nước máy bị mặn, mỗi ngày tôi dùng 1 thùng nước lọc 10.000 đồng để nấu pha cà phê, pha trà bán cho khách", chị Vân nói.

Để chứng minh cho điều mình nói là sự thật, chị Vân vặn vòi nước máy lấy hứng ca nước đưa cho khách. “Nước mặn chát” là cảm nhận sau khi hớp một ngụm.

“Lúc trước, thằng con rể tôi bỏ ra chục triệu thuê người ở Tiền Giang sang khoan giếng tìm nước ngọt. Mà khoan xong cũng lấp lại vì toàn nước mặn, nước phèn. Ông xã tôi cũng khoan thử, rồi cũng lấp lại”, chị Vân nói.

Chị Vân là một trong những số ít người “khoẻ” vì nhà có máy cày, hàng ngày con trai của chị chạy đến giếng nước ngọt cách nhà hơn 3km để đổi về dùng vào việc tắm rửa, giặt giũ.

“Mình kêu xe chở nước tới thì mỗi khối tốn 150.000 đồng, còn chạy máy cày đi lấy trừ chi phí chỉ tốn khoảng 50.000 đồng”, chị Vân nhẫm tính.

{keywords}
Mỗi khối nước ngọt được bơm từ giếng lên đem đi giao có giá từ 100.000 - 150.000 đồng, tuỳ đường xa gần 
{keywords}
 

Ngồi dưới cái nắng như đổ lửa, mắt đau đáu nhìn ra dòng kênh trước nhà, ông Tư Hiếu nói như than: “Mới đi đồng vô, nóng quá định xuống tắm nhưng thấy lên phải lấy nước ngọt xối lại nên sợ hao. Chiều tắm luôn. Một khối nước giờ cả trăm nghìn đồng rồi đó, rẻ đâu. Người dân ở đây giờ ngoài chuyện lo cái ăn, cái mặc giờ còn đau đầu vụ nước uống, nước sinh hoạt”, ông nói như thoả nỗi ấm ức chất chứa. 

Đa phần để có nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, hàng nghìn hộ ở những Bến Tre trông chờ vào dịch vụ cung cấp nước ngọt từ những người chuyên chạy xe bồn. Họ phải trả mức giá 100.000 - 150.000 đồng cho mỗi khối nước, tuỳ đường xa gần.

“Nhà nào khá giả thì còn đỡ chứ những hộ nghèo ngoài chuyện lo gạo hàng ngày, giờ lo thêm tiền mua nước dùng. Điệp khúc thiếu rồi mua nước năm nào cũng lặp lại, nhưng năm nay khổ hơn vì mặn lên sớm 1 tháng”, ông Hiếu thở dài.

Trung bình mỗi tháng dân ở vùng hạn mặn Bến Tre bỏ ra ít nhất từ 500.000 - 1,5 triệu đồng để mua nước về sinh hoạt. Song, không phải mua nước là có liền, phải gọi điện hoặc chạy tới nhà kêu chở. "Mà có khi 2-3 ngày họ mới chở cho mình, vì ưu tiên người đặt trước”, bà Lan ở Bình Thành than.

Nghề đổi nước ngọt lên ngôi

Giữa lúc cả xóm đang loay hoay lo chuyện nước sinh hoạt, ông Nguyễn Văn Tẩm, ở xã Bình Thành (Giồng Trôm), lại may mắn khoan trúng mạch nước ngọt.

“Nước mặn đắng từ trước tết tới giờ. Thấy nhà tốn mấy triệu bạc tiền mua nước về sử dụng, chịu hết nổi nên tôi kêu thợ đến khoan giếng “cầu may” coi có trúng mạch nước ngọt không. Không ngờ trúng thật”, ông Tẩm vui mừng nói.

{keywords}
Ông Tẩm là một trong những người may mắn khoan giếng trúng mạch nước ngầm 

“Nước này để sử dụng sinh hoạt hàng ngày, còn nước uống là nước mưa. Bữa trước mấy đứa cháu nhỏ ở Sài Gòn về phải lấy nước mưa tắm cho chúng nên cũng vơi đi bớt rồi”, ông nói.

Cách nhà ông Tẩm khoảng 1km, nhà của chị Nguyễn Thị Thuỷ Tiên, ở ấp Tân Hoà, Bình Thành luôn tấp nập xe đến lấy nước.

Một tháng trước, chị Tiên kêu thợ đến khoan giếng rồi may mắn trúng mạch nước ngọt. Thấy vậy, dân trong xóm lần lượt kêu thợ về khoan giếng, nhưng nhận lại là nước mặn, nước phèn.

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Thuỷ Tiên, ở ấp Tân Hoà, Bình Thành cho biết, mỗi khối nước ngọt xe đến giếng nhà chị lấy chỉ trả 20.000 đồng 

“Không phải ai khoan giếng cũng dính mạch nước ngọt đâu, cái này kêu bằng "trời cho ai người đó nhận". Từ ngày có mạch nước này, một số người chạy xe đến lấy chở về sử dụng hay giao lại cho bà con trong xã”, bà Tiên nói và cho biết, mỗi khối nước bà lấy 20.000 đồng.

Đang lấy nước tại nhà bà Tiên, anh Phạm Minh Trọng nói, hàng ngày anh chở khoảng 3 xe để về sử dụng. "Mọi người thì chở nước đi đổi, còn riêng mình thì chỉ chở về sử dụng. Nước máy ở nhà mặn dữ lắm, không sử dụng được. Trung bình mỗi ngày 1 khối nước 4 người sử dụng mới đủ, nhưng đó là tiết kiệm lắm rồi”, anh Trọng nói.

{keywords}
Trưa nắng nhưng anh Trọng vẫn tranh thủ chạy đến nhà chị Tiên để bơm 2 khối nước về sử dụng 

Trưa nắng, anh Thanh Phong vẫn chạy xe bán tải trên đường nhỏ, hai bên là đồng lúa cháy vì nhiễm mặn để giao nước cho người dân.

Anh Phong nói, anh bắt đầu công việc chở nước ngọt từ sáng và kết thúc vào chiều tối. "Tôi mua nước giếng ở 1 điểm trong xã sau đó cung cấp cho người có nhu cầu. 

Mỗi khối nước tuỳ theo quãng đường xa hay gần mà mình lấy giá hợp lý, bà con ai cũng nghèo nên đâu có đổi giá cao được".

{keywords}
Anh Phong lấy nước ở 1 giếng nước ngọt tại xã Bình Thành...
{keywords}
... rồi chạy hơn 3km để giao cho người cần đổi ở thị trấn Giồng Trôm

Trong ngày, anh Phong nhận gần chục đơn đặt hàng của người dân trong xã Bình Thành và thị trấn Giồng Trôm.

"Nhiều hôm làm quần quật, không có thời gian nghỉ trưa”, anh Phong nói và lấy điện thoại hẹn lại một khách mai mới chở nước vì đã chiều tối.

“Sắp tới trời không mưa thì không biết tiền đâu mà mua nước hay dân giờ chỉ có một điều ước là mong có nước ngọt”, là những câu nói thường trực của người dân Bến Tre.

Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp ở huyện Ba Tri là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây. Song, hồ này đã bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho việc lấy nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương. 

Lãnh đạo huyện Ba Tri cho biết, hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp nhiễm mặn là điều không mong muốn của địa phương.

Khi phát hiện mặn, ngành chức năng đã tiến hành rửa mặn nhưng chỉ mới có thể rửa được nước lớp mặt bên trên, nước mặn ở dưới đáy vẫn còn khoảng 1.45‰.

Thời gian tới, huyện sẽ kiến nghị với các đơn vị có liên quan tiến hành các giải pháp rửa mặn, có thể xả hết nước mặn trong hồ ra khi nước sông bên ngoài hồ ngọt trở lại hoặc trong mùa mưa tới”, lãnh đạo huyện nói với báo chí.

Hạn mặn sớm chưa từng có, vựa lúa mặn cháy bò ăn cũng chê

Hạn mặn sớm chưa từng có, vựa lúa mặn cháy bò ăn cũng chê

Đầu tư tiền của, công sức và có cả máu, mồ hôi vào đồng lúa, nhưng đổi lại dân miền Tây thu được chỉ là những mớ lúa nhiễm mặn, tới cho bò ăn cũng chê. 

Hoài Thanh - Thanh Tùng