Đứng ngắm cây trường xanh đang đâm chồi nảy lộc những ngày đầu xuân 2019, trước Nhà 67 trong Khu di tích Phủ Chủ tịch, ông Nguyễn Lương Lộc - chuyên viên chính tại đây cho biết: Cây trường xanh bị sâu bệnh tưởng như không thể tồn tại được nữa lại bất ngờ được cứu sống một cách thần kỳ.
Để tìm được cách cứu cây là cả một hành trình dài và phải có cả cơ duyên của ông Trần Ngọc Nam - TGĐ công ty TNHH Đại Nam cùng đội thợ.
Cây trường xanh quý hiếm trước Nhà 67 trong Khu di tích Phủ Chủ tịch được cứu sống cách đây không lâu |
Ông Lộc kể, cây trường xanh được trồng ở khoảng sân trước ngôi nhà Bác mất (di tích Nhà 67). Đây là loại cây hiếm ở Việt Nam, nó gắn liền với không gian lịch sử của Phủ Chủ tịch, nơi diễn ra các hoạt động của Bác Hồ và Bộ Chính trị trong những năm 1967-1969, nhất là trong thời gian điều trị bệnh cho Bác Hồ cho đến khi Người trút hơi thở cuối cùng vào ngày 2/9/1969.
Sau nhiều năm tồn tại, cây trường xanh bị sâu bệnh nặng, rỗng ruột và mục thân, mục cành, có hiện tượng chết dần từng cành… nguy cơ lớn là cây này có thể sẽ bị chết.
Đầu năm 2011, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn cây trường xanh”.
Các chuyên gia của Bộ NN&PTNT, trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã ngồi lại với nhau để bàn bạc, tìm cách cứu cây. Trong trường hợp xấu nếu cây chết thì thay bằng biện pháp gieo ươm, chiết, giâm cành được không?
Hồi đó, các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra rất nhiều biện pháp, từ phun thuốc kích rễ, cưa bỏ bớt tán, vét bớt đất cũ ở gốc để đưa thêm đất mới vào, tăng cường dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân hữu cơ, phòng trị sâu bệnh…
Tìm đủ mọi cách, cuối cùng mọi người quyết định trị bệnh sâu đục thân trong cây trường xanh. Riêng những phần thân cây bị mục rỗng được đắp bằng xi măng.
Sau khi được cứu sống, cây trường xanh đã khoẻ mạnh, phần cành cây đã dài ra thêm được 30cm, lá xanh hơn trước |
Thế nhưng, biện pháp này dường như không hiệu quả, bệnh sâu đục thân ngày càng nặng, cây yếu đi dần, có những đoạn thân còn bị sâu ăn gần gãy. Nhiều nhà khoa học đến tìm hiểu cũng không đưa ra được giải pháp nào khả quan hơn.
“Nhìn cây được chắp vá bằng xi măng, chống đỡ bằng những thanh thép ngang dọc thấy xót lắm. Bởi cây trường xanh là một kỷ niệm gắn bó với Bác”, ông Lộc tâm sự.
Cơ duyên gặp “phù thuỷ cây”
Trong lúc các nhà khoa học, chuyên gia gần như bó tay, thì đầu tháng 10/2018, ông Trần Ngọc Nam - người được mệnh danh là “phù thuỷ cây” bất ngờ tới Khu di tích thăm cây trường xanh quý hiếm và nói: “Cây này tỷ lệ sống còn khoảng 10%, nhưng tôi sẽ cứu và sẽ cứu sống nó thành công”.
Nói xong, ông trở về Vũng Tàu bàn bạc tìm giải pháp cứu chữa.
Phần gốc và thân cây được tái tạo giống như thật |
Cuối tháng 10, ông cùng đội thợ bay ra Hà Nội.
3h chiều hôm đó, ông Nam tiến hành gỡ bỏ những mảng xi măng trong cây ra để đánh giá thì phát hoảng vì cây bị sâu bệnh, thân mục rỗng còn nghiêm trọng hơn ông nghĩ. Phần xi măng đắp vào tạo ra ẩm mốc càng khiến sâu đục thân có điều kiện phát triển mạnh hơn.
Ngay lập tức, ông huy động cả đội thợ khoảng 10 người bắt tay vào làm việc, không được chần chừ dù chỉ là một phút. Vì, những phần cây bị sâu đục thân đục gần đứt chỉ cần một cơn gió mạnh có thể gãy ngay.
“Mấy ngày ông Nam và thợ cứu cây trường xanh tôi đều có mặt ở đó. Rất xúc động. Họ làm việc miệt mài không ngừng nghỉ”. Ông Lộc kể, đồ ăn thức uống bên Khu di tích đã chuẩn bị đầy đủ nhưng họ làm không kịp ăn. Cơm trưa ăn vội lúc 3h chiều, cơm tối thường ăn lúc 12h đêm. Đến thời gian uống nước cũng phải tranh thủ.
Gần 3 ngày như thế, không ai nghỉ ngơi, ông Nam và những người thợ gần như thức trắng, quên hết mệt nhọc, cần mẫn làm việc.
Cuối cùng, mất khoảng 90h liên tục, "phù thủy cây" cũng loại bỏ được toàn bộ sâu đục thân, cứu sống được cây trường xanh, phần thân mục rỗng được tạo mới theo dáng cũ giống như cây chưa hề trải qua hàng chục năm sâu bệnh.
Một tuần sau, những chồi non nhú ra trên thân cây, cành cây có thêm nhiều lộc mới. Mọi người trong Khu di tích đi ngang qua đều ngỡ ngàng, không thể tin vào mắt mình.
Trò chuyện với ông Nam, ông ấy nói cứu cây trường xanh có lẽ là cơ duyên, là sứ mệnh nên trong quá trình làm, ông và những người thợ luôn cố gắng hết sức có thể. Bây giờ thì cây trường xanh hoàn toàn mạnh khoẻ, cành cây đâm chồi nảy lộc, đã dài thêm được khoảng 30cm, lá cũng xanh hơn rất nhiều, ông Lộc chia sẻ.
90 giờ cân não cứu sống cây trường xanh trong Khu di tích Phủ Chủ tịch
Cây trường xanh quý hiếm trong Khu di tích Phủ Chủ tịch bị sâu đục thân ăn rỗng, tỷ lệ sống chỉ còn 10% thế nhưng “phù thủy cây” đã làm nên kỳ tích trong 90 giờ nghẹt thở.
Tâm An - Ảnh: Nguyên Trí