Ông Truyền kể, khi sự việc ô nhiễm nguồn nước sông Đà nóng lên, xem trên báo chí thấy Lý Đình Vũ khai lấy dầu thải từ công ty mình ông mới gọi điện cho bảo vệ xác minh.
Ông Nguyễn Đức Truyền. Ảnh Đoàn Bổng |
"Tôi hỏi có hay không việc này thì bảo vệ nói, có anh Trần Thành Trung (nhân viên phòng vật tư - PV) xuất đi mấy khối. Vì là dầu thải nên bảo vệ không quản lý làm gì, không cần lệnh", lời ông Truyền.
Lãnh đạo công ty Gốm sứ Thanh Hà (CTH) thừa nhận: "Việc đã xảy ra, dầu là thật ở đây rồi, tôi không chối cãi gì, cũng không đổ lỗi cho ai. Tuy nhiên cá nhân tôi không kí bất cứ giấy nào cho dầu ra ngoài trái phép, chỉ kí cho công ty xử lý môi trường".
Nông dân mua dầu thải đuổi chuột
Mặc dù khẳng định rằng quy trình xử lý chất thải được thực hiện đúng quy định nhưng ông Nguyễn Đức Truyền thừa nhận, trước đây khi người dân địa phương còn trồng nhiều lúa, họ thường dùng dầu thải của công ty để đuổi chuột.
Khu vực chứa dầu thải của công ty Gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: Đoàn Bổng |
"Người dân từng mua dầu thải về rắc trên bề mặt ruộng để chuột không phá hoại, bây giờ nông dân họ bỏ hết ruộng nên không ai mua nữa", ông Truyền nói.
Theo ông Truyền, nhà máy sản xuất công nghiệp thì chỗ nào cũng gây ô nhiễm môi trường, xong phải xử lý.
"Trước đây, công ty của tôi từng xả dầu xuống ao, đốt cháy bùng bùng và từng được đưa lên tivi", ông Truyền nói.
Công ty môi trường chỉ vận chuyển?
Ông Truyền chia sẻ, trước đây, công ty đốt dầu thải bằng lò để sấy nguyên liệu làm gạch, nhưng 3 tháng gần đây công ty áp dụng công nghệ 4.0 nên cơ quan chức năng không cho sử dụng nữa, phải tích trữ dầu thải và kí hợp đồng với 1 công ty, họ đem đi xử lý cho công ty.
Về lượng dầu thải sau quá trình vận hành nhà máy, ông Truyền cho rằng trong các téc chứa dầu thải lượng nước chiếm phần nhiều, tuy nhiên nước này cũng là chất nguy hại nên không được xả thải ra môi trường.
Cổng vào công ty CTH. Ảnh: Đoàn Bổng |
Năm 2017, công ty CTH đã ký hợp đồng thu gom vận chuyển chất thải với công ty CP Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình (huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình).
Theo hợp đồng, công ty CP Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình sẽ vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất của công ty CTH.
Tuy nhiên, ông Truyền cho biết, công ty này chỉ đủ khả năng vận chuyển. Khâu xử lý thì sẽ tìm đến các khu xử lý chất thải có địa chỉ ở Hưng Yên hoặc huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Trước giả thiết nếu chất thải nguy hại được công ty nói trên thu gom từ CTH bị đổ trộm ra môi trường, ông Truyền cho rằng "ai làm người đó chịu".
3 nghi phạm đổ dầu thải nguồn nước sông Đà |
Liên quan đến vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà, ngày 17/10, cơ quan CSĐT, công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 bộ luật Hình sự.
Cơ quan công an tạm giữ 3 nghi phạm gồm Lý Đình Vũ (SN 1982, ở Bắc Ninh), Hoàng Văn Thám (SN 1986, ở Lạng Sơn) và Nguyễn Chương Đại (SN 1994, ở Bắc Ninh).
Cơ quan CSĐT, công an tỉnh Hòa Bình đang phối hợp các đơn vị chức năng Bộ Công an xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan việc xử lý nguồn nước ô nhiễm cung cấp cho Hà Nội.
Cần làm rõ việc tuồn chất thải là vô tình hay cố ý
LS Nguyễn Thanh Hải, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, công ty CTH và người xuất kho số dầu thải phải chịu trách nhiệm nhất định đối với hành vi của mình, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi.
Đối với người xuất kho số dầu thải cho các đối tượng xả thải, cần làm rõ mối liên hệ của thủ kho với nhóm người trên, ai là người chỉ đạo.
Nếu quá trình điều tra chứng minh được mối liên hệ trên nhằm đưa số lượng chất thải nguy hại ra môi trường thì có thể khởi tố bị can về tội gây ô nhiễm môi trường theo điều 235 bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm.
“Nếu làm theo chỉ thị của cấp trên, trách nhiệm của người tuồn chất thải sẽ nhẹ hơn so với 2 trường hợp còn lại. Cũng theo điều luật này và phân tích ở trên, nhiều khả năng người chịu trách nhiệm theo pháp luật của công ty CTH cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, LS Hải nhận định.
Mặt khác, quá trình xử lý chất thải của công ty Gốm xứ Thanh Hà còn sai quy trình được quy định tại nghị định 38/2015/NĐ-CP.
Cần làm rõ công ty CTH chỉ vô tình cung cấp chất thải nguy hại cho các đối tượng hay có sự tính toán từ trước nhằm đổ chất thải nói trên ra môi trường không qua xử lý.
Hé lộ thương vụ tuồn dầu thải Theo biên bản kiểm tra ngày 19/10 của Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an (do công ty CTH cung cấp), tháng 9/2019, Lý Đình Vũ gọi điện cho bà Nguyễn Huyền Trang (SN 1988, là trợ lý giám đốc công ty CTH) đề xuất tiếp nhận, xử lý, tái chế số dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được bà Trang đồng ý. Theo thỏa thuận miệng, bà Trang phải trả cho ông Vũ tiền để thu gom, vận chuyển dầu thải với mức giá 1.000 đồng/lít. Sáng 7/10, Vũ gọi điện cho bà Trang để đến thu gom dầu thải. Bà Trang đi vắng, giao việc cho Trần Thành Trung (nhân viên phòng vật tư) phụ trách việc chuyển giao dầu thải cho Vũ. Cùng ngày, Nguyễn Chương Đại (SN 1994, quê Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, quê Lạng Sơn) lái xe tải BKS 99c-087.83 đến công ty CTH để thu gom dầu thải cho Vũ. Từ đó đến nay, bà Trang chưa trả tiền và không gọi được cho Vũ. |
Đoàn Bổng
Hà Nội: Hai bố con thau rửa bể ngầm, người con trai tử vong
Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đang điều tra nguyên nhân việc một người tử vong khi rửa bể nước của gia đình tối nay.