Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) Trần Hồng Thái , một tuần qua, Tổng cục đã kết hợp tất cả các nguồn tin để đưa ra bản đồ cảnh báo sát thực hơn tới dạng điểm.
“Hiện nay, tất cả các nghiên cứu địa chất còn thiếu thông tin. Mưa vẫn là nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất. Tổng cục đang tập hợp tất cả các bản đồ phân vùng tai biến môi trường tự nhiên, bản đồ địa hình, các sườn dốc, các phong hóa… để cố gắng đưa ra bản đồ cảnh báo chi tiết hơn so với các bản tin cập nhật theo ngày.
Nghiên cứu tất cả các nguyên nhân từ sườn dốc, lớp phong hóa địa chất, một lớp thông tin nữa chúng ta chưa có kiểm chứng được đó là cấu trúc các hang caxtơ, mưa vào dồn bên trong tạo ra các khối nước tích trữ bên trong nội tạng. Những tiếng nổ là từ đấy.
Sạt lở đất tại Trà Leng (huyện Nam Trà My) |
Chúng tôi đang nỗ lực tập hợp, nghiên cứu trong thời gian tới. Tổng cục đã liên hệ với các nhà địa chất từ Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, các chuyên gia của các trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia ngồi lại với nhau để đưa ra bản đồ từ các phân vùng, các lớp địa chất để xác định các ngưỡng có thể sinh ra sạt lở.
Về lâu dài, các nghiên cứu này cần tích hợp để đưa ra các cảnh báo những nơi nào là an toàn, những nơi nào mất an toàn… để khi có cảnh báo sạt lở sẽ có lộ trình vị trí dẫn đường cho người dân di dời. Trong vòng 5 năm tới sẽ phải hoàn thành việc này” - ông Thái nói.
Về phương án di dời người dân tới khu vực an toàn, theo ông Thái cần phải khảo sát rất kỹ.
“Chúng tôi sẽ có những “đặt hàng” với các nhà địa chất để từ đó đưa vào quy hoạch của các tỉnh. Đó là t việc rất quan trọng và mang tính chất lâu dài.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác đó là tác động từ các hoạt động như xẻ núi làm đường giao thông, xây dựng các khu dân cư, khu đô thị… đã làm biến đổi sự ổn định của cấu tạo địa chất”.
Vì sao có tiếng nổ trước khi sạt lở?
PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) cho biết, qua thống kê, các vụ sạt lở đất đều có xu hướng xảy ra vào ban đêm, gây thiệt hại rất lớn.
Có hai khả năng để lý giải về hiện tượng này. Thứ nhất, sự tương tác liên quan đến trái đất và mặt trời, sẽ khiến nhiệt độ, độ ẩm về ban đêm chênh lệch ban ngày, điều này liên quan trực tiếp đến áp lực nước lỗ rỗng trong đất. Khi thay đổi từ trạng thái ngày, đêm khiến áp lực lỗ rỗng thay đổi tác động đến cường suất trong khu vực địa hình sườn dốc sẽ kích thích sạt, trượt lở đất.
Vụ sạt lở xảy ra vào chiều ngày 11/11 tại huyện Bắc Trà My |
Thứ hai, hoàn toàn có thể xảy ra nhiều hơn là, sạt lở đất đá khi một sườn dốc bị bão hoà nước. Qua các vụ sạt lở đất các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam cho thấy những khu vực này đã có mưa lớn dai dẳng trong nhiều ngày. Đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở.
Các vụ trượt lở đất gần đây cho thấy, trước khi sạt lở đất đều có tiếng nổ chát chúa, sau đó là bún đất, đá ầm ầm đổ xuống. PGS.TS Trần Tân Văn lý giải: "Trong nghiên cứu, chúng tôi gọi là trượt lở. Tại điểm trượt, bao giờ cũng có một khối rất lớn nằm ở phía trên, gọi là khối trượt. Bên dưới mặt trượt thường là mặt phẳng, hoặc vòng cung, bên dưới nữa là phần đất đá ổn định chưa bị trượt".
Khi trượt lở xảy ra, toàn bộ khối trượt sẽ di chuyển xuống phía dưới các sườn dốc, khối trượt và mặt trượt cọ sát tạo nên một lực ma sát rất mạnh dẫn đến các tiếng động lớn. Ngoài ra khi trượt lở như thế, lực ma sát phá vỡ toàn bộ cấu trúc đất đá cũng gây ra tiếng nổ lớn.
“Qua thực tế có nhiều khối đá rất lớn đang nguyên vẹn nhưng khi trượt lở thì nó bị va chạm, chà xát nên bị nứt vỡ, phá thành nhiều khối khác nhau, tạo ra tiếng nổ”, ông Văn giải thích.
Việt Nam chưa cảnh báo được sạt lở đất đồng bộ tới cấp xã |
Báo cáo của Viện Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) về tình hình sạt lở ở các tỉnh miền Trung cho biết, khu vực này phía Đông là biển, phía Tây có dải Trường Sơn chắc chắn, địa hình thấp dần nhưng khá đột ngột từ Tây sang Đông. Điều kiện địa chất, địa hình - địa mạo, cấu trúc - kiến tạo, địa chất thủy văn - địa chất công trình hết sức phức tạp. Vỏ phong hóa mạnh mẽ, dày; thảm phủ chủ yếu là rừng trồng, rừng tái sinh.
Theo độ dốc địa hình, số lượng điểm trượt xảy ra nhiều nhất ở cấp độ dốc từ 14 - 34 độ. Khu vực này thường tương ứng với các kiểu sườn bóc mòn - xâm thực, sườn bóc mòn - tổng hợp thuộc khu vực có vỏ phong hóa dày.
Tại tỉnh Quảng Nam điều tra về hiện tượng sạt lở đất đá được tiến hành từ năm 2019. Các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn được đánh giá có nguy cơ rất cao về trượt lở đất đá; tiếp đến là các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang có nguy cơ cao.
Kết quả điều tra cho thấy, trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xảy ra tại khu vực dọc các tuyến đường giao thông chính và khu vực dân cư; tập trung dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 40B.
Ngoài ra, còn xảy ra trên các sườn tự nhiên trồng cây lâm nghiệp, dọc các đường liên xã, liên thôn. Mức độ sạt lở đất đá trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam là rất cao cả về số lượng và mật độ; quy mô chủ yếu là trung bình đến rất lớn.
Những khu vực này tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc - Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn. Trượt vỏ phong hóa chiếm tỷ lệ chủ yếu, xảy ra theo cơ chế sụt - trượt, trượt từ ngoài vào trong, trong điều kiện trời mưa; kiểu trượt phổ biến là trượt hỗn hợp, trượt xoay và tịnh tiến.
Viện Địa chất Khoáng sản cho biết, đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá tại các vùng miền núi Việt Nam đã thực hiện từ năm 2012. Đề án đã hoàn thành được 25 bộ bản đồ hiện trạng; 15 bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá. Các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo đã được chuyển giao cho các địa phương.
Tuy nhiên, theo Viện Địa chất Khoáng sản, để sử dụng hiệu quả các bản đồ này cần thiết tích hợp vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tái định cư, định canh, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhằm tránh tối đa tác động nhân sinh vào tự nhiên. Giải pháp tức thời là sơ tán dân ra khỏi khu vực đang có nguy cơ sạt lở hoặc có nguy có xảy ra trượt lở, lũ quét cao.
Bới đất đá tìm người mất tích trong vụ sạt lở chồng sạt lở ở Quảng Nam
Hàng chục cán bộ chiến sĩ Công an, Bộ đội cùng 10 xe cơ giới đang đào bới tìm người đàn ông mất tích trong vụ sạt lở tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).
Kiên Trung