Tại quyết định số 202 ngày 7/8, Tổng cục Quản lý đất đai thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại dự án sân golf Đại Lải và Đầm Vạc. Đồng thời kiểm tra xác minh thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai có nhiệm vụ: Kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại 2 dự án sân golf về kiểm thực việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất;  thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nghĩa vụ tài chính và kiểm tra việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

{keywords}
Dự án xây biệt thự nghỉ dưỡng của công ty TNHH Đại Lải Việt Nam. Ảnh: Đoàn Bổng

Bên cạnh đó, quyết định 202 đề cập đến việc kiểm tra, xác minh theo thông tin báo chí phản ánh về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải.

Các nội dung kiểm tra bao gồm: Sở TN&MT tỉnh báo cáo, cung cấp hồ sơ pháp lý và tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu sai phạm tại hồ Đại Lải; UBND TP Phúc Yên có trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đất đai... 

Đoàn kiểm tra do Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai Nguyễn Văn Trị làm trưởng đoàn, thực hiện nhiệm vụ trong 15 ngày. Kết quả làm việc thông báo cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc để thống nhất chỉ đạo, triển khai.

Trước đó, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNN công bố kết luận kiểm tra số 253 nêu lên nhiều bất cập và vạch rõ các sai phạm của các doanh nghiệp khi triển khai các dự án tại hồ Đại Lải.

Theo kết luận của Tổng cục Thủy lợi, công ty TNHH Đại Lải Việt Nam thực hiện thi công đổ đất vào lòng hồ (trong phạm vi đất được giao) chiều dài khoảng 700m, cao từ 2-3 m. Tuy nhiên theo kết luận này, công ty Đại Lải Việt Nam "không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi".

Bên cạnh đó, kết luận kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi lại chỉ ra một số vị trí ô đất trong quyết định nảy sinh bất cập. Cụ thể, bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỉ lệ 1/500 phạm vi giao đất xây biệt thự có diện tích dưới cao trình mực nước dâng bình thường gồm các mảnh số 2 ký hiệu OBT63, 64, 66; mảnh 3 ký hiệu OBT 58, 61, 62 và mảnh 7 kí hiệu OBT 35, 38.  

"Theo thông số kĩ thuật thì phần diện tích này là phần đất ngập hoàn toàn của hồ, tạo dung tích làm việc của hồ", kết luận của Tổng cục Thủy lợi khẳng định.  

Ngoài ra, kết luận của Tổng cục Thủy lợi nêu rõ về thông số kỹ thuật hồ Đại Lải gồm: "Diện tích lưu vực của hồ là 60,1km2; mực nước dâng bình thường +21,50m, ứng với dung tích 28,8 triệu m3, diện tích mặt nước là 532 ha...".

Lấy thông số kỹ thuật mực nước dâng bình thường của hồ so với quyết định số 41 của tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện bất cập. Cụ thể, quyết định 41 cho phép chủ đầu tư san nền với thiết kế thấp nhất là 17,65m tại khu vực phía Tây Nam hồ. Như vậy, quyết định 41 đã cho phép doanh nghiệp san nền dưới mực nước dâng bình thường của hồ (+21,50m). 

Cũng theo kết luận của Tổng cục Thủy lợi: "Việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới mực nước dâng bình thường làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi vi phạm quy định tại khoản 2, điều 163, Luật Đất đai và khoản 39, điều 2, Nghị định 01/2017 của Chính phủ".  

Đoàn Bổng

Doanh nghiệp đua nhau san nền, đổ kè "bức tử" hồ Đại Lải

Doanh nghiệp đua nhau san nền, đổ kè "bức tử" hồ Đại Lải

Kết luận của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNN) chỉ rõ, doanh nghiệp triển khai các dự án tại hồ Đại Lải đã san nền, đổ đất trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước mà không có giấy phép hoạt động.