{keywords}
- Cả bản Ong (xã Lạc Sỹ, Yên Thủy, Hòa Bình) ai nấy đều dùng cây nhượng để sắc nước uống hàng ngày, giúp bổ máu, mát gan, phòng ngừa và chữa đau dạ dày.

Băng rừng tìm kiếm

Người dân xã Lạc Sỹ nhiều thế hệ truyền nhau loại nước uống được sắc từ thân cây nhượng lấy trên những đỉnh đồi cao. Nước này sau khi đun sôi có màu đỏ tươi, vị ngọt nhẹ, thanh mát, được dùng thay cho nước lọc hay nước chè uống hàng ngày giúp bổ máu và phòng tránh một số bệnh tiêu hóa.
 
{keywords}
Ông Bùi Văn Vịnh bên cốc nước nhượng 'gây nghiện' một vùng quê
 
Mỗi lần có khách đến, việc đầu tiên mà các chủ nhà làm là mang ra một chai nước nhượng đỏ tươi mời khách. 
 
Phải mất cả ngày đường để leo lên những ngọn đồi cao, dốc dựng đứng, thân cây nhượng nằm ẩn khuất sau những tán cây rừng rậm rạp. Người có kinh nghiệm và tinh mắt mới tìm được những thân cây to, khỏe khoắn để chặt thành bó mang về. 
 
{keywords}
Phải leo lên những ngọn đồi cao, băng qua những cánh rừng mới tìm thấy cây nhượng
 
“Trước đây, để tìm cây nhượng rất dễ, chỉ cần đi một buổi sáng là có đủ để uống trong cả tháng. Nhưng giờ phải cất công leo lên đồi cao, đường đi hiểm trở mới tìm được” - trưởng bản Bùi Văn Vịnh vừa nói vừa thở gấp. 

Cây nhượng có màu xanh sẫm lẫn trắng bạc, nhiều chấm nhỏ, thường quấn vào các thân cây lớn, lá cây có tán rộng, thân cây dài khoảng từ 4-6m. 
 
{keywords}
Thân cây nhượng nằm ẩn khuất sau những tán cây rậm rạp


Kích thước tùy thuộc vào tuổi của cây, lớn nhất đường kính khoảng 10cm. Tuy nhiên, những năm gần đây phải thật may mắn mới tìm loại cây như vậy, đa phần chỉ có loại 2-3cm.

 

{keywords}
Cây nhượng có lá màu xanh sẫm, mọc ở những đồi cao


Uống là ‘nghiện’ 

Từng đoạn cây nhượng được đặt lên tấm gỗ lớn chặt thành những miếng nhỏ dài khoảng 2-3cm, sau đó đem đi phơi vài lượt nắng là có thể sắc nước uống. Mỗi lần đun chỉ cần 10 miếng nhỏ, đun uống ba lần thì thay lượt khác. 

 

{keywords}
Niềm vui của trưởng bản Bùi Văn Vịnh khi tìm được bó cây quý
 
Trong tiết trời rét căm căm giữa núi rừng Tây Bắc, bên bếp lửa đỏ rực than hồng, trưởng bản Ong tự tay rót mẻ nước nhượng đỏ tươi ra cốc thủy tinh mời khách. Hơi nước bốc lên mùi thơm đặc trưng từ cây rừng, kết hợp với vị ngọt thoảng của nước như xua tan cái giá lạnh ngoài trời.

Trưởng bản Bùi Văn Vịnh chia sẻ, nhiều người lần đầu tiên nhìn thấy loại nước này cứ nhầm tưởng là rượu được pha với máu động vật, vì nó có màu đỏ tươi, tuy nhiên khi uống thử thì hầu hết đều gật gù thích thú.

“Nhà nào cũng uống nước này, phần vì do tập quán sinh hoạt cộng đồng, phần vì tác dụng tích cực đối với sức khỏe”, ông kể. 

Tác dụng dễ nhận thấy nhất là kích thích ăn uống. Có những đứa trẻ biếng ăn, uống nước này khoảng một tuần thì ăn nhiều lên trông thấy. Bình thường chỉ ăn được 1 bát cơm thì sau có thể ăn 3-4 bát, thể trạng cũng bụ bẫm lên. 

 

{keywords}
Chặt cây nhượng thành từng đoạn ngắn rồi phơi khô

Ngoài ra, nước nhượng, theo những người cao tuổi trong bản, giúp phòng ngừa và chữa trị bệnh đau dạ dày, mát gan, bổ máu. 

Bà Bùi Thị Vân, người dân bản Ong chia sẻ: “Tôi uống nước này mấy chục năm rồi, cả nhà ai cũng rất thích. Có những đợt cây khan hiếm, tìm không ra, chúng tôi phải nấu đi nấu lại nhiều lần, dù cho màu đỏ của nước nhạt đi, nhưng ngửi mùi hương và nhấm nháp nước nhượng là vui rồi”.

Cũng chính vì lượng cây ngày một khan hiếm, nên bà con bản Ong cũng ‘tiết kiệm’ hơn. Vào mùa hè, để nước uống ngon hơn, có hộ còn đong vào các chai nhựa để bỏ tủ lạnh uống dần.

 

{keywords}
Nước nhượng được đun trên bếp than giữa cái rét căm căm của tiết trời Tây Bắc

 

Trưởng bản Bùi Văn Vịnh còn chia sẻ, có những hôm đi tham quan mô hình, dự các buổi tập huấn ở TP Hòa Bình dài ngày, không được uống nước nhượng thường xuyên ông cảm thấy bứt rứt.

“Mình uống ngót 40 năm nay, bỗng dưng mấy ngày không uống thấy nhạt miệng” - trưởng bản Ong cười vui nói.

Thương lái nườm nượp tìm đến

Khoảng giai đoạn 2013-2015, một số thương lái từ miền xuôi nghe tiếng đã lên tìm mua số lượng lớn cây nhượng với giá 35 nghìn đồng/kg.
 
{keywords}
Sau khi người dân bản Ong đổ xô bán cây nhượng cho các thương lái, cây ngày càng khan hiếm
 
“Ngày ấy có người đánh cả ô tô bán tải lên mua hàng tấn” - ông Vịnh cho hay.
 
Nguồn cây ngày một khan hiếm, chỉ còn ở một số đồi cao chưa được khai hoang, một số gia đình giữ lại để sử dụng hàng ngày.

Anh Bùi Văn Lâm, người dân bản Ong cho biết: “Nhà tôi được giao một quả đồi để trồng trọt, hồi ấy thấy mọi người khai thác, lùng cây nhượng để bán nhiều quá nên tôi sợ nguồn cây sẽ hết nên giữ lại một khoảng đồi và dừng chặt cây nhượng nửa năm để cây kịp sinh trưởng, tự nhân rộng ra”.

 

{keywords}
Mỗi 1kg cây nhượng được thương lái thu mua với giá 35 nghìn đồng
 
“Nhiều thương lái lên đặt vấn đề mua với giá cao nhưng tôi không bán, mình giữ lại thì còn có cho gia đình, con cái uống, bán đi được một khoản tiền, tiêu rồi cũng hết” - anh Lâm nói.

Ở bản Ong, trong các sự kiện lớn nhỏ của các ngày hội, ngày lễ, cưới hỏi đều dùng loại nước ngày một hiếm này để mời khách. 
 
Đoàn Bổng