Gần 3 tuần qua, Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, nhiều ổ dịch được cách ly phong tỏa. Lần đầu tiên, biện pháp “phong tỏa trong phong tỏa” được thực hiện tại Hải Dương.
Mục tiêu duy nhất là để Hải Dương sớm dập được dịch, ổn định đời sống xã hội, dỡ bỏ lệnh phong tỏa, giãn cách.
Trong thời gian đó, nhiều luận điệu xuyên tạc, kỳ thị với người dân vùng dịch Hải Dương được một số cá nhân thiếu nhận thức đưa lên mạng xã hội. Nhiều trường hợp bị xử lý, xử phạt.
Trả lời VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trần Văn Quyết thẳng thắn: “Muốn hết những cái nhìn kỳ thị về vùng dịch Hải Dương, chúng tôi quyết tâm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch. Khi đã dập được dịch, sẽ không còn những cái nhìn kỳ thị nữa”.
Ông nói, không chỉ người dân bên ngoài có bình luận thiếu tinh thần xây dựng, thiếu sự chia sẻ, một số cá nhân trong vùng dịch cũng có cái nhìn lệch lạc.
Ông Quyết lấy ví dụ, một công nhân thuê trọ tại huyện Cẩm Giàng bị cách ly tại chỗ từ Tết đến nay đưa lên mạng xã hội về việc đi xác nhận giấy tờ phải trả phí, cho rằng chính quyền “làm khó” công dân.
“Chúng tôi đã yêu cầu kiểm tra sự việc. Công nhân trên đi xác nhận giấy tờ, thủ tục hành chính tại nơi cư trú phải đóng phí theo quy định, khoảng trên 100 nghìn đồng nhưng lại viết lên trang cá nhân là công an thu tiền để được vào khu cách ly. Người này đã bị xử lý hành chính, nộp phạt số tiền 7,5 triệu đồng, sau đó tự gỡ thông tin sai, viết bài xin lỗi trên trang cá nhân”.
Ông cho hay, trong lúc cả xã hội đang chung tay chống dịch, một phát ngôn sai trái dẫn tới hệ lụy khó lường, làm ảnh hưởng tới mục tiêu chung.
Ngoài việc vận động, tuyên truyền, nhắc nhở, chính quyền nghiêm khắc xử lý những người vi phạm quy định phòng chống dịch. Riêng huyện Cẩm Giàng, hàng chục trường hợp đã bị xử lý, xử phạt hành chính với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
“Người bị phạt còn bị đọc tên trên loa phát thanh để người dân cả huyện biết. Mục đích duy nhất, đó là người dân hiểu để tuân thủ quy định chống dịch đã ban hành.
Mọi người cùng hợp tác sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh. Chúng ta đã trải qua gần 3 tuần phong tỏa, giãn cách, chỉ còn một thời gian ngắn nữa, tại sao không kiên trì, cố gắng thêm một chút nữa?”, ông Quyết nói.
“Cẩm Giàng là huyện cửa ngõ, tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên. Chúng tôi càng làm mạnh, làm rắn không chỉ giữ cho mình mà còn giữ cho các tỉnh bạn”, ông Trần Văn Quyết chia sẻ.
Chiều 5/2, toàn bộ huyện Cẩm Giàng được phong tỏa. 100% các cuộc họp đều bàn về nội dung chống dịch. 100% cán bộ công chức từ thôn, xã, huyện, các ban ngành đoàn thể… đều được huy động. Các nhiệm vụ khác tạm thời gác lại.
“Cẩm Giàng thực hiện phong tỏa, cách ly, có những sáng kiến riêng để phù hợp với tình hình đặc thù. Đó là cách ly tập trung nhưng chia nhỏ, không để số lượng lớn.
Mỗi điểm cách ly tập trung không quá 60 người. Điều này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo ở vùng cách ly tập trung, đồng thời cũng không để xảy ra tình trạng quá tải”.
Các khu cách ly tập trung ở Cẩm Giàng chủ yếu trưng dụng cơ sở của các trường tiểu học, trung học cơ sở.
Ông Quyết giải thích, những điểm này có hạ tầng vật chất, được chia làm nhiều phòng. Người cách ly tập trung được chia theo phòng, sẽ hạn chế tiếp xúc, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn.
Xã Tân Trường có hai điểm cách ly tập trung là trường tiểu học và trung học cơ sở xã. Vòng ngoài giao cho lực lượng công an, an ninh làm nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát. Các điểm kiểm soát lối vào khu dân cư giao công xã phối hợp với thôn. Điểm bên trong khu cách ly, lực lượng quân đội, bác sỹ chăm sóc, điều trị phụ trách chuyên môn.
Các tổ Covid-19 cộng đồng hỗ trợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đưa cơm, nấu cơm cho người bên trong. Phân chia, hình thành một thế trận hợp lý, vừa đảm bảo sức lực, vừa không để quá tải.
Phương pháp của Cẩm Giàng đã mang lại hiệu quả. Một số ca dương tính mới xuất hiện đều là các trường hợp F1 đang được cách ly tập trung, không có trường hợp dương tính xảy ra tại cộng đồng.
“Tỉnh ghi nhận, đánh giá cao phương án chống dịch của huyện là hiệu quả”, ông Quyết nói.
Trước đó, một số nhà máy, đơn vị sản xuất đề nghị huyện cho hoạt động trở lại, công nhân tiếp tục đi làm.
“Huyện đồng ý những với yêu cầu nhưng chỉ cho phép những nhà máy nào đảm bảo các quy định phòng dịch, có đủ điều kiện an toàn và phải giữ công nhân tại nhà máy, không được để công nhân về khu nhà trọ thì mới được sản xuất.
Nếu không thực hiện được những điều trên, tiếp tục dừng sản xuất cho đến khi có chỉ đạo mới. Hiện, một số nhà máy đang sản xuất và tuân thủ theo yêu cầu này. Còn lại, công nhân vẫn nghỉ làm, thực hiện cách ly tại chỗ.
Tập trung chống dịch, quyết liệt xử lý người vi phạm nhưng cũng cần động viên những đơn vị, cá nhân có thành tích trong chống dịch; hỗ trợ, quan tâm tới những người yếm thế.
“Có như vậy mới lan tỏa, xốc tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên. Họ sẽ có trách nhiệm, quyết tâm cao hơn”, ông Quyết nói.
Ngay giữa cao trào chống dịch, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng thưởng nóng cho ba lực lượng chống dịch chủ chốt là Công an, Huyện đội và lực lượng y bác sỹ làm việc trong các điểm cách ly tập trung, mỗi đơn vị 50 triệu đồng.
Về hơn 6,6 vạn công nhân ngoại tỉnh đang cách ly tại Cẩm Giàng, không có thu nhập do không đi làm, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng nói đó là đối tượng cần ưu tiên hàng đầu.
“Số lượng gạo hỗ trợ về huyện, chúng tôi phân chia về các xã, thôn, đưa đến tận tay công nhân mỗi người 5kg gạo và thực phẩm rau củ quả, mì tôm, nước mắm, mì chính. Các công nhân được chăm lo về sức khỏe trong thời gian cách ly”, ông Quyết cho hay.
Ngày 25/2, cây ATM gạo đầu tiên được đặt tại UBND huyện. Cùng ngày, 22,5 tấn gạo, 2.000 suất quà nhu yếu phẩm đã được trao tận tay từng công nhân đang sống giãn cách tại các xã, thị trấn trên toàn huyện.
Cẩm Giàng có hơn 4.000ha gieo trồng lúa vụ xuân; hơn 250ha cà rốt đã đến vụ thu hoạch tại các xã Đức Chính, Cẩm Văn.
Song song với chống dịch, huyện vẫn triển khai công tác gieo cấy cho kịp thời vụ, thu hoạch cà rốt để không quá lứa, mất giá, mất đối tác.
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng nói: “Sau khi đẩy lùi dịch bệnh, đời sống trở lại bình thường, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm”.
Kiên Trung - Thiết kế: Thu Hằng
30 người truy vết hơn 64.000 người: Chuyện chưa từng biết tại Cẩm Giàng
30 cán bộ chiến sỹ công an huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) ngày đêm truy vết hơn 64 ngàn người là F1, F2 tiếp xúc với ca bệnh dương tính với Covid-19 để khoanh vùng dịch.