Năm 2018 trôi qua với hàng loạt đại án gây chấn động dư luận, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước và doanh nghiệp.
Ngày 8/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Đinh La Thăng (58 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Trịnh Xuân Thanh (52 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí - PVC) cùng 20 người trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC.
XEM CLIP:
Đây cũng là phiên tòa đầu tiên áp dụng bộ luật Tố tụng hình sự mới, phiên tòa cũng không vành móng ngựa.
Ngày 19/3, ông Đinh La Thăng tiếp tục phải hầu tòa cùng 6 bị cáo khác liên quan đến vụ án PVN mất 800 tỷ khi đầu tư vào Oceanbank.
Ông Đinh La Thăng lần lượt phải lĩnh 2 bản án: 13 và 18 năm tù. Trịnh Xuân Thanh bị tù chung thân.
Tháng 12/2017, Bộ Công an khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước.
XEM CLIP:
Ngày 7/2/2018, Phan Văn Anh Vũ tiếp tục bị khởi tố, tạm giam 4 tháng về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm rõ vi phạm pháp luật của người này và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.
Chiều 30/7, sau 1 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án 9 năm tù giam đối với ông Phan Văn Anh Vũ.
Ngày 18/4, Phan Văn Anh Vũ tiếp tục bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản để điều tra về khoản tiền 200 tỷ Ngân hàng Đông Á bị thất thoát.
Sáng 27/11, TAND TP.HCM đưa bị cáo Trần Phương Bình (cựu TGĐ, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD ngân hàng TMCP Đông Á - DAB), Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 24 đồng phạm ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại DAB.
Ngày 30/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 đưa cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, 47 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) và 4 bị cáo khác ra xét xử sơ thẩm.
XEM CLIP:
Ông Hệ bị truy tố về 2 tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các bị cáo khác thừa nhận hành vi phạm tội. Lời khai của các bị cáo và người liên quan cho thấy, việc truy tố bị cáo Hệ là có căn cứ.
Chiều 31/7, HĐXX tuyên Đinh Ngọc Hệ 12 năm tù với 2 tội danh trên. Trần Văn Lâm (nguyên TGĐ điều hành công ty CP đầu tư Thái Sơn) lĩnh 5 năm tù, Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 Quân chủng PK-KQ) lĩnh 2 năm tù cho hưởng án treo. Bị cáo Phùng Danh Thắm (cựu đại tá, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) lĩnh án 2 năm cải tạo không giam giữ.
Sáng 6/8, HĐXX TAND TP.HCM tuyên phạt Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án cũ, bị cáo phải chấp hành là 30 năm tù.
Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) lĩnh 4 năm tù; Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng xây dựng) lĩnh 10 năm tù cùng về tội danh trên, tổng hợp bản án phúc thẩm là 30 năm tù.
Sai phạm này đã gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB, dẫn đến hệ luỵ xấu cho hệ thống ngân hàng... Ông Bê dù biết Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB không thể vay tiền của VNCB nhưng vẫn chỉ đạo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và các chi nhánh giải ngân cho 6 công ty của ông Danh vay.
Theo HĐXX, hồ sơ vụ án đủ căn cứ xác định ông Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB thông qua hàng loạt sai phạm. Trong đó, bị cáo Danh có vai trò chủ mưu, vì lợi ích của công ty mình đã chỉ đạo đồng phạm rút trái phép tiền của VNCB, bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân (là các công ty do ông thành lập, hoặc mượn) để làm hồ sơ khống vay ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.
Các bị cáo không thẩm định phương án kinh doanh thực tế, dù hồ sơ không đầy đủ nhưng vẫn phê duyệt cho Danh vay, không kiểm tra sau khi cho vay... tạo điều kiện cho Danh dùng tiền của VNCB bảo lãnh vay, gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỷ đồng.
XEM CLIP:
Chiều 30/11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên án phạt đối với 92 bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ. Đây được coi là "phiên tòa lịch sử" trong ngành tố tụng của tỉnh Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung.
Đây cũng là vụ án đầu tiên xét xử các đối tượng đánh bạc trực tuyến sử dụng công nghệ cao, với số lượng bị cáo đông, rất nhiều bị cáo là người có trình độ xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Quy mô đánh bạc xảy ra trên không gian mạng, không chỉ có trên phạm vi cả nước mà còn cả quốc tế. Tổng thu lời bất chính là hơn 9.000 tỷ đồng.
Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐTV công ty CNC) bị tuyên phạt 10 năm tù; Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ - công ty VTC online) lĩnh 5 năm tù về cả hai tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền.
Ông Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) bị tuyên phạt 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng tội danh này, ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống, tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50, Bộ Công an) bị tuyên phạt 10 năm tù. Bị cáo Vĩnh và Hóa còn bị áp dụng hình phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Ban Thời sự - Thiết kế: Đặng Sơn - Video: TTXVN