Hứa với vợ đi làm từ thiện ít bữa rồi sẽ trở về, nhưng anh Lê Thượng Tiến (ngụ quận 8, TP.HCM) đi một mạch 2 tháng trời.

Thời gian đầu anh tự mua thực phẩm để hỗ trợ người dân ở các khu phong tỏa, cách ly với số tiền lên tới gần 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, do số lượng người khó khăn quá nhiều, một mình không thể cáng đáng được hết nên anh góp sức mình vào việc đi chở hàng hóa, thực phẩm của các nhà hảo tâm gửi tặng người dân.

{keywords}
Hàng ngày anh Tiến đi nhận tro cốt các nạn nhân Covid-19 rồi trao lại cho người thân của họ

Công việc thiện nguyện cuốn anh đi từ sáng sớm tới đêm khuya, nhiều khi cả ngày chỉ kịp ăn một bữa.

Địa bàn quận 8 nơi anh Tiến ở là một trong những ổ dịch của thành phố, số lượng người dương tính với SARS-CoV-2 lớn, tỉ lệ tử vong khá cao. Vì vậy, Ban chỉ huy quân sự quận 8 đã kêu gọi các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ lái xe chở xác các nạn nhân mất vì Covid-19 đi hỏa táng.

Không ngần ngại, anh Tiến đăng ký tham gia. “Công việc gì tôi cũng làm, vất vả, nguy hiểm tôi cũng không ngại, miễn đó là việc từ thiện, giúp đỡ được người dân”, anh Tiến nói.

Mỗi lần nhận lệnh tới chở xác một nạn nhân đi hỏa táng, anh Tiến đều không khỏi xót xa. Bởi vì, hầu hết những người này khi mất đều không có người thân bên cạnh, không một người tiễn đưa trên đoạn đường cuối cùng của cuộc đời.

Ngoài ra, anh Tiến còn kiêm thêm việc phối hợp với quân đội đi nhận tro cốt của các nạn nhân rồi mang về trao cho gia đình họ.

Trong một lần giao tro cốt, đọc thông tin về người mất, anh lặng người khi hay người nằm trong hũ cốt này là ba của một người bạn.

Một lần khác, bà của người bạn mất, anh là người chở bà cụ đi hỏa táng rồi tự tay mang tro cốt cụ về trao cho gia đình.

{keywords}
Vừa bỏ hàng trăm triệu đồng đi làm thiện nguyện, anh Tiến vừa lấy xe ô tô cá nhân chở thực phẩm của các nhà hảo tâm trao cho bà con vùng dịch

Không chỉ giao tro cốt trên địa bạn quận 8, anh còn đưa những nạn nhân là người thuê trọ trên địa bàn quận bị tử vong về tận quê nhà.

Có kỷ niệm anh không bao giờ quên được. Lần đó, các anh nhận được hũ tro cốt của một người đàn ông, ngoài tên tuổi ra không có bất cứ một thông tin nào về gia đình, quê quán.

Sau hai tháng không tìm ra được người thân của người đã mất, anh Tiến đăng thông tin tìm thân nhân của nạn nhân lên Facebook cá nhân. Sau đó, con gái của nạn nhân đã liên lạc và nhờ các anh đưa cha mình về quê ở Hậu Giang.

Vượt hơn 200km tới điểm chốt để vào tỉnh Hậu Giang, nhóm của anh Tiến đã đưa người xấu số về bên gia đình.

Không muốn bản thân là người vô cảm

Khi được hỏi, hàng ngày tiếp xúc với tử thi, tro cốt có sợ không, anh Tiến mỉm cười nói: “Lúc chưa vào việc thì thấy sợ, nhưng sau đó, tôi chỉ thấy thương họ. Lúc chở họ đi đoạn cuối cuộc đời, tôi cứ vái trong lòng, bà con phù hộ cho đất nước vượt qua đại dịch này. Tôi cố gắng chạy thật êm, né hết ổ gà, không làm xóc bà con”.

Là chủ một cơ sở sản xuất bao bì và một công ty truyền thông, như nhiều đơn vị khác, công ty của anh Tiến đã phải tạm đóng cửa từ khi thành phố tiến hành giãn cách.

{keywords}
Nhớ con, anh Tiến chỉ dám ngồi ngoài cửa nhìn vào nhà để đảm bảo an toàn cho vợ con

Tuy nhiên, anh vẫn trả lương cho nhân viên đầy đủ không cắt, giảm một đồng nào. Ai không may bị dương tính anh còn hỗ trợ cho họ 5 triệu đồng. Ngoài ra, anh Tiến còn thường xuyên mang lương thực, thực phẩm tới cho từng nhân viên. “Tôi không muốn nhân viên mình khổ, thà mình chịu căng một chút mà họ được sống”, anh Tiến nói.

{keywords}
Anh Lê Thượng Tiến chụp thời điểm TP.HCM chưa giãn cách

Để giữ an toàn cho gia đình, anh Tiến về văn phòng của công ty nghỉ ngơi. Mỗi lần nhớ con, anh lại tranh thủ chạy về đứng ngắm con gái từ ngoài cửa, chứ không dám ẵm bồng.

Chia sẻ về lý do không ngại nguy hiểm để đi làm từ thiện, anh Tiến nói “Tôi muốn thanh thản trong tâm hồn, để sau này nghĩ lại không cảm thấy mình vô cảm với xã hội, để còn có cái tự hào với con cái chứ. Khi tổ quốc cần thì phải lao ra chứ”.

Bài Thanh Phương; Ảnh NVCC

Ông chủ khách sạn ở TP.HCM kể chuyện nhói lòng khi đi chuyển bình oxy 0 đồng

Ông chủ khách sạn ở TP.HCM kể chuyện nhói lòng khi đi chuyển bình oxy 0 đồng

Nhận cuộc điện thoại của cô gái trẻ gấp gáp cầu xin oxy tới cứu bà ngoại, ông chủ khách sạn ở TP.HCM vội vã lên đường. Đến nơi gọi cô ra thì anh nhận được câu trả lời nhói lòng "em không cần nữa, bà ngoại em mất rồi”.