Ngày 22/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm.
Ông Cảm và 6 đồng phạm bị điều tra hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Cơ quan điều tra xác định, hệ thống xét nghiệm này được nhập về Việt Nam với giá chỉ khoảng 2,3 tỷ đồng, nhưng đến tay CDC Hà Nội đã lên tới 7 tỷ đồng.
Trước khi bị bắt, ngày 17/4, ông Nguyễn Nhật Cảm đã vắng mặt tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Hà Nội.
Đó là ngày ông Cảm cùng nhiều cán bộ có liên quan của CDC Hà Nội được C03 triệu tập làm việc về các nội dung liên quan đến mua sắm thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Nhật Cảm. Ảnh: Thành Nam |
Trước đó, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo về các hoạt động mua sắm của CDC Hà Nội, trong đó có việc mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR, cũng như quy trình xét giá, lựa chọn nhà cung cấp.
Các Sở Công Thương, Tài chính và Công an TP Hà Nội đã rà soát toàn bộ các đơn vị có hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư để kiểm tra về đơn giá, định mức… Đồng thời, xem xét có hay không việc tăng giá trong mua sắm thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Được biết, CDC Hà Nội vận hành 8 máy xét nghiệm Reatime PCR, gần 17.000 bộ test nhanh chưa sử dụng và 341 máy thở, bổ sung kinh phí đợt 2 để mua thêm 37 máy thở, nâng tổng số máy thở lên 378 chiếc.
Ngày 24/4, Sở Y tế Hà Nội đã phân công Phó giám đốc Sở Hoàng Đức Hạnh (SN 1961), thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP phụ trách CDC sau khi ông Cảm bị bắt tạm giam.
Đầu mối kiểm soát bệnh tật thành phố
Có thể nói, CDC Hà Nội là đơn vị thuộc tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 của TP, có nhiệm vụ sàng lọc, kiểm soát, xét nghiệm, đưa ra cảnh báo và công bố những người nhiễm bệnh.
Vì vậy, đơn vị này được phân bổ kinh phí trong giai đoạn 1 để mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Năm 2008, thực hiện đề án mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Tây được sáp nhập với Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (cũ) thành Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội.
Đến năm 2017, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội được tổ chức lại trên cơ sở sáp nhập 6 đơn vị trực thuộc Sở Y tế (gồm Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Hà Nội, Trung tâm kiểm dịch quốc tế, Trung tâm kiểm nghiệm Hà Nội, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội và Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm Hà Nội).
Năm 2018, thực hiện quyết định của UBND TP, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiếp tục được tổ chức lại thành CDC Hà Nội, có trụ sở chính đặt tại số 70 đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa.
Trung tâm chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động chuyên môn về công tác y tế dự phòng tại Hà Nội. Hoạt động của CDC nhằm mục đích làm giảm tỉ lệ mắc, chết do các dịch, bệnh, truyền nhiễm, không truyền nhiễm với toàn bộ người dân, giảm thiểu tác hại kinh tế, sức khỏe, thời gian do dịch bệnh gây ra, thông qua các hoạt động dự phòng tích cực.
Ngoài ra, CDC Hà Nội còn có nhiệm vụ kiểm dịch y tế quốc tế, triển khai các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cộng đồng…
Bộ máy tổ chức của Trung tâm gồm 13 khoa chuyên môn, 3 phòng chức năng với tổng số hơn 500 nhân sự, có 1 giám đốc, 4 phó giám đốc.
Giám đốc CDC Hà Nội bị tố 'xé thầu', có thu nhập bất thường từ 2018
Trước khi bị bắt để điều tra hành vi nâng khống giá thiết bị xét nghiệm Covid-19, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội từng bị tố cáo có nhiều khoản thu nhập bất thường từ năm 2018.
Thái Bình