- Sau khi bà Ân được công nhận liệt sỹ, gia đình bà Phán cũng ngừng hẳn mọi cuộc tìm kiếm và lấy ngày 27/7 hàng năm làm ngày giỗ của bà Ân. Thế rồi, nhờ thông tin của người cùng làng, gia đình đã tìm được bà đang còn sống...
Trở về sau 50 năm
Những ngày này, trong ngôi nhà cấp 4 của bà Ngô Thị Phán (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) luôn tấp nập kẻ vào người ra.
Họ tập trung tại đây chỉ đơn giản được nhìn tận mắt bà Nguyễn Thị Ân (SN 1945, em chồng bà Phán) 'bằng da bằng thịt' trở về sau gần 50 được công nhận liệt sỹ.
Ngôi nhà cũ nơi bà Ân ra đi và trở về |
Ngồi mớm từng thìa cháo cho người em chồng, bà Phán kể: “Khi ra đi em tôi là một thiếu nữ đẹp có tiếng ở vùng này. Trong chiến tranh, những tưởng em tôi đã chết. Suốt mấy chục năm trời gặp lại, tôi vẫn nhận ra người em máu mủ của chồng mình, mặc dù em chỉ còn một nắm xương gầy và sống cuộc đời thực vật”.
Được biết, vào năm 1965, khi bà Ân tròn 20 tuổi đã nối gót người anh trai mình là ông Nguyễn Tam tham gia cách mạng và được bổ sung vào lực lượng vận lương K600 tỉnh Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam).
Trong một lần đi chiến dịch vào cuối năm 1965, bà Ân bị địch bắn trọng thương. Kể từ đó, bà bặt vô âm tín.
Sau ngày giải phóng, cả gia đình bà Phán đi tìm tung tích của bà Ân nhưng đều vô vọng. Sau gần 19 năm tìm kiếm nhưng không có manh mối, đến năm 2006 gia đình làm đơn gửi chính quyền công nhận bà Nguyễn Thị Ân là liệt sỹ.
Sau khi bà Ân được công nhận liệt sỹ, gia đình bà Phán cũng ngừng hẳn mọi cuộc tìm kiếm và lấy ngày 27/7 hàng năm làm ngày giỗ của bà Ân.
Vào đầu tháng 7/2015, ông Trần Văn Mười, một người cùng làng với bà Phán vào Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và Người có công huyện Long Đất thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tìm thân nhân.
Bà Ân sống đời thực vật trên chiếc xe lăn |
Trong một lần xem hồ sơ, ông Mười tình cờ phát hiện ra bà Ân vẫn còn sống và đang được điều trị tại trung tâm. Ngay sau đó, ông thông báo cho gia đình bà Phán và chính quyền xã Hòa Khương thông tin trên.
“Nghe ông Mười thông báo em tui vẫn còn sống, thú thực tui không dám tin vào tai mình. Sau đó tui cùng đứa con trai vay mượn tiền bạc tức tốc vào Nam để xác nhận. Gặp lại đứa em chồng, tui mừng mừng tủi tủi. May mắn sao em tui vẫn còn sống, nhưng thương em phải sống đời sống thực vật suốt đời” – bà Phán rớm nước mắt nói.
Hành trình lưu lạc của cô gái vận lương
Sau khi vào Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng và người có công huyện Long Đất, gia đình bà Phán được cán bộ ở đây cho biết về quá trình từ ngày bà Ân bị thương đến khi được đưa về trung tâm điều trị.
Theo đó, vào năm 1965, sau khi bị thương, bà Ân được một số người đưa đến trung tâm điều dưỡng thương binh của tỉnh Phú Thọ chăm sóc.
Bà Phán bên người em chồng trở về sau suốt 50 năm mất tích và được công nhận là liệt sỹ. |
Tại đây, các bác sĩ xác định bà Ân bị thương quá nặng dẫn đến mất trí nhớ, liệt tứ chi, cuộc đời còn lại sống trong tình trạng thực vật nên không thể tự mình liên lạc được với gia đình.
Đến năm 1983, bà được chuyển sang Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần ở Ninh Bình. Hơn 20 năm sau, bà lại được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và Người có công huyện Long Đất.
Sau khi tiếp nhận bà Ân, Trung tâm Điều dưỡng huyện Long Đất lần theo địa chỉ được ghi trong hồ sơ và gửi thư nhiều lần nhưng không có hồi đáp. Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam cũng xác nhận không có trường hợp nào tên là Nguyễn Thị Ân.
“Trong hồ sơ của em tui khi ấy ghi là trú tại xã Hòa Lương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà. Sau chiến tranh, xã Hòa Lương được đổi tên thành xã Hòa Khương, Đà Nẵng cũng tách ra khỏi Quảng Nam nên Trung tâm Điều dưỡng huyện Long Đất tìm mãi không thấy” – bà Phán giải thích.
Về phía gia đình, trong quá trình hỏi thăm tin tức của bà Ân, biết thương binh từ Đà Nẵng trở vào được chuyển về phía Nam điều trị nên vào phía Nam tìm kiếm.
“Trong khi em tui còn đang điều trị ở tỉnh Ninh Bình thì gia đình lại vào các tỉnh phía nam tìm kiếm, hỏi thăm tất cả các nơi nhưng vẫn không tìm được nên hi vọng cũng cạn dần. Lúc gia đình tui không tìm kiếm ở phía Nam nữa thì em tui lại được chuyển về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên mọi cuộc tìm kiếm đều thất bại” – bà Phán kể.
Sau khi gặp lại người em chồng, bà Phán vội vay mượn tiền bạc và làm hồ sơ trình Trung tâm Điều dưỡng huyện Long Đất để đưa bà Ân về đoàn tụ với gia đình.
“Anh em bà con tập trung lại đông đúc lắm, gặp lại đứa em tui sau gần 50 li biệt ai cũng xúc động. Em tui chừ không nói được, nhưng nhận biết được mọi người. Suốt mấy ngày sau đó, cứ mỗi lần có người quen đến hỏi thăm em tui lại khóc khiến tui cũng khóc theo” – bà Phán tâm sự.
Lê Minh - Vũ Trung