Muốn trở thành bộ trưởng, hai trong số các tiêu chuẩn phải đáp ứng: phải là ủy viên trung ương và đã kinh qua vị trí lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh. Hai tiêu chuẩn quan trọng này đã loại đi khá nhiều người có năng lực thực sự, có trình độ đủ sức làm bộ trưởng. Không đổi mới vấn đề này, rất khó có được các bộ trưởng giỏi trong Chính phủ. 

LTS: Trong phần 2 của bài viết, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa nêu một số đề xuất, kiến nghị để có một chính phủ mạnh, hiệu lực, hiệu quả. 

Giảm quy mô khu vực công

Muốn giảm quy mô khu vực công, phải quay trở lại vấn đề nhà nước nói chung, Chính phủ nói riêng làm gì trong cơ chế kinh tế thị trường.

Trước hết, cần nhận thức rõ nhà nước không thể ôm đồm làm nhiều việc như trước đây trên cả 3 phương diện. 

Trước hết là quản lý hành chính mà sản phẩm đặc trưng đối với người dân, doanh nghiệp là các quyết định về cấp phép, thẩm định, phê duyệt, là ban hành các thể chế quản lý. Phải nhanh chóng loại ra khỏi tư duy truyền thống là nếu nhà nước buông cái này, buông cái kia thì xã hội sẽ "loạn". Quản lý xã hội, quản lý văn hóa, quản lý gia đình theo kiểu chúng ta đang làm về cấp danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa là cách làm nên loại bỏ. 


Phương diện tiếp theo là xem xét quy mô của nhà nước trong sản xuất và cung cấp các sản phẩm hàng hóa cho xã hội. Cần nghiên cứu kỹ để xác định rõ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam thì dứt khoát Nhà nước phải nắm, phải có doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực nào, ví dụ như dầu khí, hàng không dân dụng, điện lực, đường sắt, lương thực v.v…

Không thể và không nên duy trì quá nhiều DNNN như hiện nay, cả ở Trung ương lẫn địa phương. Chừng nào chưa có câu trả lời vấn đề này một cách thích đáng, chừng đó chúng ta chưa hy vọng có một khu vực công tốt, một Chính phủ mạnh, hiệu lực, hiệu quả. 

Tại sao giảm mạnh doanh nghiệp nhà nước lại liên quan trực tiếp tới hoạt động của Chính phủ, của các bộ?

Về hình thức, từ nhiều năm nay, chúng ta tuyên bố cố gắng bỏ chế độ bộ chủ quản, theo hướng đó, bộ sẽ tập trung vào thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô. 

Thực tiễn lại diễn ra không phải như vậy. Chừng nào còn DNNN, chừng đó Chính phủ, các bộ, UBND các cấp còn phải quản lý. Mà không quản lý sao được khi một phần rất lớn tài sản, vốn liếng của nhà nước đang trong tay các doanh nghiệp này. Còn quản lý là phải có người, phải có bộ máy để quản. Chính phủ, các bộ còn phải đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ vào mảng DNNN, do đó sẽ bị phân tán nguồn lực dành cho việc giải quyết những việc đích thực mình phải làm. Một năm mà có độ dăm ba vụ như Vinashin thì biết bao cơ quan của Đảng, của Quốc hội và của Chính phủ phải vào cuộc. 

Câu hỏi tiếp theo là những ngành, lĩnh vực phải có DNNN thì có nhất thiết chỉ có DNNN hay cả doanh nghiệp tư tham gia. Cuối cùng là xem xét để loại bỏ một loạt DNNN đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực mà nhà nước không nhất thiết phải nắm, như xây dựng, công nghiệp, giao thông, thương mại…

Phương diện cuối cùng là xem xét sự hiện diện của nhà nước trong cung ứng dịch vụ công. Chỉ những dịch vụ nào theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của nhà nước và do nhà nước cung cấp thì mới là dịch vụ công theo đúng nghĩa. 

Ở mảng này, sự có mặt của nhà nước hiện tại cũng là quá lớn và quá sức của nhà nước. Nhiều năm qua, chúng ta đã kiên trì thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa. Khu vực tư nhân đã vươn lên đảm nhiệm cung cấp nhiều dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… Theo tinh thần đó, cần xem xét một loạt các dịch vụ công khác có nhất thiết chỉ nhà nước cung cấp như dịch vụ kiểm định kỹ thuật xe ô tô…

Cần có khảo sát, đánh giá độc lập về quy mô khu vực công. Chúng ta đã rất nhiều lần rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, từ đó đề xuất với Chính phủ các giải pháp, biện pháp xử lý. Tuy nhiên, hạn chế lớn của cách làm này là bản thân ta lại đánh giá ta, rồi đề xuất cải cách ta, nên kết quả thường rất hạn chế. 

Nâng năng lực của các bộ trưởng

Cần quan niệm lại cho đúng, rõ chức danh bộ trưởng trong hệ thống chính trị - hành chính Việt Nam.

Làm bộ trưởng ở nước ta rất khó. Khó vì cùng một lúc bộ trưởng chịu sự chỉ đạo, quản lý, kiểm tra của ít nhất 3 cơ quan. Đó là Chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng, là Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, là các cơ quan của Đảng.


Bảo đảm tốt cả 3 mối quan hệ này là không đơn giản. 

Cái thuộc phạm vi bộ trưởng chỉ đạo là địa phương theo nghĩa quản lý nhà nước trong phạm vi cả nước thì rốt cuộc cũng rất khó. 

Hệ thống hành chính nước ta so với thời bao cấp đã bị đảo lộn, thứ bậc hành chính bị phá vỡ. Một trong các nguyên nhân cơ bản là chế độ tiền lương.

Hãy xem khoảng cách tiền lương giữa thứ trưởng, bộ trưởng với chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, giữa vụ trưởng với giám đốc sở. Chênh lệch không đáng là bao. 

Nguyên nhân thứ hai là sự bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo bộ từ địa phương. Phó giám đốc, giám đốc sở được bổ nhiệm thứ trưởng không còn là hiếm trong hệ thống công vụ Việt Nam. Trọng lượng, cái uy thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ trưởng đối với địa phương bị ảnh hưởng đáng kể.

Rốt cuộc, bộ trưởng may ra chỉ còn chỉ đạo được bộ máy của mình là cơ quan bộ mà thôi. 

Một góc độ khó khác của làm bộ trưởng là dường như phải am hiểu tất cả mọi vấn đề trong quản lý nhà nước của bộ. Chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với bộ trưởng có thể từ a đến z. Liệu có vị bộ trưởng nào giỏi đến mức thông thạo tất cả các vấn đề trong điều kiện bộ đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay?

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng làm bộ trưởng ở Việt Nam quá đơn giản. Bất kỳ ai, một khi đã được giao trọng trách bộ trưởng đều có thể làm được.

Dễ, khó, trách nhiệm đến đâu, quan hệ thế nào… đều liên quan đến làm rõ chức danh bộ trưởng, yêu cầu của chức danh này, để từ đó có được các thành viên Chính phủ đủ trình độ, năng lực hợp thành sức mạnh cho một Chính phủ mạnh. 

Theo thực tiễn nước ta, bộ trưởng không hẳn là chính trị gia như nhiều nước quan niệm. Ở nhiều nước, một người không được đào tạo về y, vẫn có thể là bộ trưởng Y tế, bộ trưởng Quốc phòng lại là người không phải của quân đội. Ở nước ta hiện tại thì không thể thế được. Như vậy, góc chuyên môn, nghiệp vụ chiếm một tỉ trọng nhất định trong mặt bằng chung yêu cầu về trình độ, năng lực của bộ trưởng.

Tiêu chuẩn cho chức danh bộ trưởng có nhiều, trong đó có 2 tiêu chuẩn: phải là ủy viên trung ương và về nguyên tắc đã kinh qua vị trí lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh. Hai tiêu chuẩn quan trọng này đã loại đi khá nhiều người có năng lực thực sự, có trình độ đủ sức làm bộ trưởng. Không đổi mới vấn đề này, rất khó có được các bộ trưởng giỏi trong Chính phủ. Thậm chí bộ trưởng có nhất thiết phải là đảng viên hay không cũng cần đặt ra để xem xét. 

Cần bổ sung vào chương trình làm việc để hàng năm, Quốc hội xem xét, đánh giá hoạt động của Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Đây là một kênh góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của bộ trưởng. 

Khi nhà nước vận hành theo một cơ chế thông suốt không chồng chéo, sẽ hạn chế được việc lạm quyền. Nếu không, sẽ chỉ tạo ra các kẽ hở dẫn đến trì trệ và tham nhũng. Thiệt hại cuối cùng là nhân dân và đất nước - nguyên Thứ  trưởng  Bộ  Nội vụ Thang  Văn  Phúc nói.