Bộ trưởng xứ người có khi từ chức để nhận trách nhiệm một sự cố nghiêm trọng, hay những bê bối tham nhũng, tình ái; nhưng cũng có khi phải ra đi chỉ vì những lý do thật đơn giản...

Bộ trưởng xứ người nhỡ miệng là mất ghế. Khi dân bất bình hay các nghị sĩ kiến nghị hoặc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bộ trưởng gần như chắc chắn phải ra đi.

{keywords}

Bộ trưởng Y tế Chile Maria Soledad Barria phải từ chức. Ảnh: Elamaule.

Ở xứ Anh đào, Bộ trưởng Tư pháp Minoru Yanagida sau hai tháng đảm nhận chức vị, đã làm quốc hội Nhật Bản, đặc biệt là phe đối lập nổi giận vì câu nói hớ của mình.

Trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở Hiroshima ông nói: "Trở thành bộ trưởng Tư pháp rất dễ dàng vì tôi chỉ phải nhớ hai cụm từ, mà tôi có thể sử dụng bất cứ khi nào để trả lời câu hỏi của quốc hội”. Theo đó, trước các câu hỏi đặt ra, ông chỉ cần trả lời: “Tôi không bình luận vào vấn đề cụ thể” và “Chúng tôi đang giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp và bằng chứng”.

Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Nariaki Nakayama cũng đã phải đệ đơn từ chức lên Thủ tướng do có những phát biểu gây tranh cãi. Ông bị chỉ trích mạnh mẽ sau khi gọi liên đoàn nhà giáo lớn nhất nước là “căn bệnh ung thư” trong hệ thống giáo dục Nhật Bản.

Bộ trưởng Y tế Hakuo Yanagisawa dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đã khiến công chúng nổi giận khi ông mô tả phụ nữ là “những cỗ máy sinh con”. Một tháng sau, liên minh các nghị sĩ đối lập do đảng Dân chủ dẫn đầu đã đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm chống lại ông Yanagisawa, nhưng vị bộ trưởng này đã cố gắng giữ lại ghế của mình.

Chỉ vì những lý do rất đơn giản, thậm chí "lãng xẹt" nhưng trước sức ép của công luận, có bộ trưởng phải ngậm ngùi dứt áo. Vì bạn mà Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox của nước Anh phải từ chức. Trong đơn đệ trình lên thủ tướng David Cameron, ông cho biết đã "sai lầm khi không phân định rõ vấn đề cá nhân với các hoạt động công việc trong chính phủ".

Năm 2006, ở Thụy Điển, Bộ trưởng Văn hóa Cecilia Stego đã phải đệ đơn từ chức chỉ bởi không trả tiền thuế xem truyền hình và không công bố mức lương đã trả cho các bảo mẫu.

Bộ trưởng An toàn giao thông bang Nam Australia - ông Tom Koutsantonis đã mất chức do phạm luật giao thông quá nhiều, hơn 30 lần kể từ năm 1994, phần lớn đều là do lỗi chạy quá tốc độ.

Tận xa xôi ở vương quốc Ảrập Xêút, nơi dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe người dân cực kỳ hiện đại thì sơ suất dẫn tới truyền máu nhiễm HIV cho một đứa trẻ đã khiến vị lãnh đạo đầu ngành và nhiều quan chức khác bị sa thải. Nạn nhân là cô bé Reham alkami sinh sống ở vùng Jazan. Một làn sóng phản ứng mạnh mẽ tại Vương quốc Hồi giáo đã diễn ra.

Gia đình Reham tuyên bố sẽ kiện bộ Y tế “bắt đầu từ quan chức cấp cao nhất đến tất cả các nhân viên có liên quan”.

Tờ tin tức Saudi Gazette của vương quốc này dẫn báo cáo điều tra từ ủy ban Nhân quyền chính phủ Ảrập Xêút rằng, trình độ năng lực yếu kém của đội ngũ y, bác sĩ cũng như việc không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong việc hiến máu, xét nghiệm máu của bệnh viện đa khoa Jazan là nguyên do dẫn đến một sai phạm nghiệm trọng như vậy.

Bộ trưởng Y tế Abdullah al-Rabiah sau đó đã phải từ chức, đồng thời 7 quan chức y tế cấp cao tại Jazan cũng bị mất chức hồi tháng 2 năm nay.

Tại Chile, tháng 10/2008, Bộ trưởng Y tế - bà Maria Soledad Barria - đã từ chức sau vụ một bệnh viện hẻo lánh ở địa phương chẩn đoán HIV sai cho nhiều bệnh nhân.

Trả lời phóng viên, bà Barria nói quyết định từ nhiệm là "không muốn gây ra chướng ngại vật trước những nỗ lực nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe của chính phủ" và rằng “sự việc xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người dân Chile với ngành y”...

Làm bộ trưởng không dễ dàng khi chức vụ đi liền trách nhiệm; cả từ những phát ngôn và hành động bị công luận, dân chúng "săm soi" kỹ càng.

Thái An