Chiều nay (9/10), Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để ứng phó với bão số 7.
Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, bão số 7 có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong chiều đến tối mai.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp |
Dù vậy, ảnh hưởng của bão vẫn gây gió mạnh trên biển, mạnh nhất là trong đêm nay và ngày mai ở mức cấp 8, giật cấp 9; khu vực đất liền sẽ mạnh nhất ở mức gió giật cấp 6.
Điểm đáng chú ý là bão số 7 sẽ kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn cho các tỉnh miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ. Lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, mưa kéo dài trong nhiều ngày nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Ngay sau bão số 7, Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị sẽ còn liên tiếp phải đối mặt với các tổ hợp thiên tai nguy hiểm, trong đó bão số 8 sẽ ảnh hưởng vào ngày 13 và 14/10 là một cơn bão mạnh. Ngay sau đó đến ngày 17/10 sẽ xuất hiện thêm nhiễu động và 60% khả năng sẽ mạnh lên thành bão và áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia, lúc 5h sáng nay, 1 tàu với 9 lao động của Thái Bình bị chìm cách cửa sông Trà Lý 300m làm 1 người chết. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều 2 phương tiện cứu được 8 người còn lại.
Theo báo cáo nhanh, thiệt hại ban đầu do lũ gây ra tại Quảng Nam khiến 1 người chết do bị lũ cuốn trôi; 25ha hoa màu bị ngập úng, 7 gia súc bị lũ cuốn trôi. Tại tỉnh Quảng Trị, tuyến đường ĐT 588a, đoạn Km 5+690 qua địa bàn xã Triệu Nguyên bị sạt lở khối lượng khoảng 200m3; một số tuyến đường liên xã, kênh mương, cống nội đồng bị hư hỏng.
Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã sẵn sàng phương án, dự kiến sơ tán 41.315 hộ/151.422 người dân.
4 tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã có lệnh cấm biển; 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An dự kiến cấm biển trong tối nay đến sáng sớm 10/10.
Cảnh báo cho người dân từ vùng dịch về biết các điểm ngập lụt
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, ngoài phòng chống thiên tai thì các địa phương cần có phương án phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt việc sơ tán dân vùng nguy hiểm cần thực hiện nghiêm 5K và phải tuân thủ theo đúng lệnh của Ban chỉ đạo quốc gia.
Bên cạnh đó, thời điểm này có rất đông người dân từ vùng dịch TP.HCM trở ra các tỉnh miền Bắc bằng xe máy. Trong 10 ngày tới mưa lớn kéo dài, tình hình ngập lụt trên các tuyến đường dễ xảy ra nên các địa phương cần thiết lập các trạm hỗ trợ di động, cảnh báo sớm cho người dân các điểm ngập lụt, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan lưu ý, hiện nay việc ứng phó có 3 vấn đề cần quan tâm (mưa lũ, dịch Covid-19, người dân từ phía Nam về quê). 3 việc này chồng lên nhau thì sẽ có sự rủi ro. Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt lưu ý, thông tin kịp thời để bà con nắm được diễn biến bão và mưa lũ để phòng tránh.
Ông lưu ý, đối với tổ hợp thời tiết nguy hiểm kéo dài trong 10 ngày tới nên sẽ gây khó khăn cho công tác ứng phó. Do đó các địa phương cần phải sẵn sàng các kịch bản trong từng tình huống, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hệ thống hồ chứa để giảm thiểu thiệt hại.
Theo Bộ trưởng, về lâu dài cần có phương châm đó là vùng xung yếu mưa lũ thì mọi phương tiện, người dân nên có định vị báo họ ở đâu để kết nối thông tin, khi có tình huống xảy ra sẽ hỗ trợ kịp thời.
Ông đề nghị các đơn vị và địa phương theo dõi sát diễn biến bão, thông báo sớm nhằm không để tàu thuyền nào trong vùng nguy hiểm; yêu cầu người dân trên lồng bè, chòi canh lên bờ trước 18h chiều nay.
Các đơn vị sẵn sàng lực lượng và phương tiện ứng phó mưa lũ; khi sơ tán dân cần cân nhắc nếu thực sự cần thiết, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không để bị động, bất ngờ.
Hương Quỳnh
Bắc Bộ có nơi lạnh 18 độ từ ngày mai
Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh từ ngày mai, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét dưới 18 độ. Khoảng ngày 11-12/10 và 16-17/10 Biển Đông khả năng đón 2 cơn bão.