- Hơn 2 giờ đồng hồ, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nghe không sót câu chuyện nào từ đại diện cộng đồng người Việt ở khắp các nước, từ Đức, Úc, Lào, Hàn Quốc, Ba Lan... Xấp giấy trắng trước mặt ông kín đặc chữ...

Những chuyện bếp núc trong công tác cộng đồng tại nước sở tại đang sinh sống được các kiều bào chia sẻ rút ruột với Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân chiều 25/1 tại TP HCM.

{keywords}
Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân tặng quà cho kiều bào tiêu biểu

Chỉ có khoảng 3 đến 4 nghìn người Việt đang định cư tại Hungary nhưng như chia sẻ của chị Phan Thị Bích Thiện, Việt kiều Hungary trong mấy chục năm qua đã phát triển hệ thống tổ chức, hội đoàn không thua kém bất cứ nơi đâu. Ngoài Hiệp hội người VN ở Hungari, còn có hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội thanh niên... Nhưng như chị Thiện nói, tất cả đều sinh hoạt theo phương thức tự chủ, không có nguồn hỗ trợ nào, ai nấy tham gia công tác hội theo đúng tinh thần "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng".

{keywords}
Kiều bào Phan Thị Bích Thiện

Tự đánh giá khả năng hoạt động của hiệp hội hạn chế do ít người nhưng ba thành công điểm nhấn của cộng đồng này trong thời gian qua được chị Thiện chia sẻ rất đáng nể. Biểu tượng Trống Đồng được cộng đồng xây dựng ở đất nước này đến nay vẫn là biểu tượng văn hóa Trống Đồng duy nhất ở châu Âu.

Trong sự kiện giàn khoan xảy ra năm 2014, hội đã tổ chức tuần hành phản đối thu hút sự tham gia của 2.000 người. Đặc biệt, mối quan hệ tốt đẹp của cộng đồng ở đây với chính quyền nước sở tại đã góp phần đem lại kết quả tích cực cho quan hệ VN - Hungary. Từ nước chỉ cung cấp ít học bổng cho VN với mỗi năm chỉ 40 suất, nay Hungary đã nâng số học bổng cho học sinh VN lên 100 suất, trong đó có công sức vận động của Hiệp hội người VN.

Với nguồn gốc xuất thân chủ yếu là những tri thức, nghiên cứu sinh, du học sinh, nay nhóm cộng đồng người Việt nhỏ bé ở Hungary có ước muốn được làm cầu nối tri thức, tư vấn tri thức đóng góp cho phát triển trong nước. Chị Thiên thuyết phục Chủ tịch MTTQ rằng họ có thể bắt đầu từ cách đơn giản nhất là làm việc qua email khi chưa thể về nước.

"Nếu có 1.000 câu hỏi cho 1.000 người mà có được 100 câu trả lời cũng là đóng góp rất quý" - nữ Việt kiều đồng thời là doanh nhân có nhiều dự án thành công ở VN thiết tha cách kết nối đơn giản với kiều bào như vậy được áp dụng thường xuyên.

Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân hoàn toàn đồng tình với đề nghị này. Ông cho rằng, không có lý gì lại không tận dụng sự phát triển của CNTT để kết nối với trí thức kiều bào.

{keywords}
Kiều bào Tài Phương

Ông Tài Phương, Việt kiều tại Mỹ chia sẻ những đặc thù của cộng đồng người Việt tại Mỹ, trong đó có sự phân chia của những nhóm ra đi theo các thời điểm lịch sử khác nhau, dẫn đến chi phối cách ứng xử, nhìn lại trong nước cũng khác nhau. Và không ít người trở về VN đầu tư thành công. Do đó, ông cho rằng, việc xây dựng một cộng đồng thống nhất người Việt ở Mỹ vẫn là việc lâu dài.

Nhưng ông Phương kể vào thời điểm giàn khoan của TQ xâm phạm vùng biển chủ quyền của VN, những nhóm cộng đồng khác biệt ý thức hệ ở Mỹ đã cùng xuống đường để biểu tình phản đối. "Cốt lõi bà con vẫn hướng về đất nước" - ông Phương chia sẻ. Qua đó, ông đề nghị MTTQ hỗ trợ việc tổ chức đào tạo tập huấn kỹ thuật cho học sinh, sinh viên lớp trẻ qua Mỹ du học. Ở Mỹ có hội sinh viên người Việt quy tụ những chưa có đường lối, kỹ thuật tổ chức cộng đồng cũng như tài chính hoạt động...

Lưu ý cơ hội của hiệp định TPP đã cận cửa, ông Phương kiến nghị việc làm tốt ngoại giao nhân dân vì chắc chắn sự ủng hộ của kiều bào là rất lớn. Không ít người thành đạt trong kinh tế, thương mại ở nước sở tại có thể đón gió cơ hội từ hiệp định này để trở về VN đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông, cần phải có chính sách ủng hộ kiều bào đầu tư mạnh hơn. Con số hơn 12 tỷ USD kiều hối theo ông chưa được phát huy hết nội lực, chỉ có một phần trong số này được đưa vào sản xuất, đầu tư tại VN.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đồng tình cần dành sự quan tâm làm sao để kiều bào về VN đầu tư hiệu quả "làm gương". Có thể tổ chức đối thoại giữa hai nhóm kiều bào thành công và chưa thành công để tìm ra, chia sẻ những khó khăn...

Khác với những hội cộng đồng có bề dày, Việt kiều ở Đan Mạch, ông Phan Kế Đạt trong cuộc gặp chia sẻ sự băn khoăn, nỗi buồn của ông. Đó là dù nỗ lực rất nhiều nhưng đến nay ông và những kiều bào tâm huyết vẫn chưa thể tổ chức được cộng đồng người Việt ở quốc gia này thống nhất. Thậm chí sau hơn 10 năm nỗ lực thì số người trong hiệp hội cộng đồng còn ít hơn cả lúc khởi điểm. Các tổ chức khác nhau trong nhóm cộng đồng vẫn hình thành tự phát, chưa kết nối thành khối thống nhất.

Để chuẩn bị Tết cho kiều bào, vừa qua ông bàn với Đại sứ VN tại Đan Mạch tổ chức một bữa ăn thân mật tại nhà riêng Đại sứ, mời những người nòng cốt trong cộng đồng tới gặp gỡ trao đổi để cùng chuẩn bị một buổi tiệc "Xuân quê hương". Nhưng tiệc tan, hẹn hò bàn việc qua email cũng rời rạc rồi tan rã. Cuối cùng chỉ có ông và Đại sứ làm đầu mối chuẩn bị tổ chức việc này. Ngồi giữa nhóm các kiều bào đến từ các nước, ông đặt câu hỏi tại sao việc tổ chức cộng đồng kết nối lại khó đến vậy và muốn học hỏi kinh nghiệm.

Cộng đồng người Việt tại Đan Mạch rất thành đạt trong học tập nên việc kết nối họ cũng là cơ sở để phát huy tri thức, chất xám của kiều bào cho việc xây dựng quê hương đất nước.

Nghe câu chuyện từ Đan Mạch, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói ông giật mình. Ngoài chuyện thành tích học tập, ông cho biết sẽ tìm hiểu để xem những khó khăn trong việc kết nối thống nhất cộng đồng người Việt tại đây là gì, qua đó có ý tưởng khả thi giúp kết nối cộng đồng người Việt tại đây.

{keywords}

Cứ vậy trong hơn 2 giờ đồng hồ, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nghe không sót câu chuyện nào từ đại diện cộng đồng người Việt ở khắp các nước, từ Đức, Úc, Lào, Anh, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ba Lan... Xấp giấy trắng trước mặt ông kín đặc chữ. Nghe từng chuyện ông cũng hồi đáp thấu đáo từng việc. Có những việc ai ai cũng kêu là chuyện dạy học tiếng Việt được ông hứa kỹ càng hỗ trợ cụ thể, cả ở vai trò cá nhân. Rất nhiều việc chi tiết, bếp núc cũng được ông ghi lại với lời hứa hạn định giải quyết, gợi ý một loạt các việc có thể làm ngay để kiều bào có thể kết nối với trong nước.

Trước mắt ra Tết là cuộc hội thảo với các trí thức kiều bào các nước trên thế giới. Ông đề nghị vào quý cuối cùng của năm, đại diện từng cộng đồng kiều bào ở các nước gửi về nước một bản báo cáo hoạt động hội, những tâm tư, nguyện vọng của kiều bào trên tất cả các lĩnh vực để tập hợp thành một bản báo cáo chung về người Việt trên toàn thế giới. Mọi vấn đề nêu ra sẽ được MTTQ xem xét chuyển đến các cấp chính quyền giải quyết.

Xuân Linh - Ảnh: Minh Thăng