Trưởng phòng Văn hóa thị xã Sa Pa (Lào Cai) Hoàng Thị Vượng thông tin với VietNamNet chiều nay (20/4), UBND thị xã đã thành lập đoàn kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh du lịch có tên AnSaPa, thuộc tổ 4, phường Phan Si Păng.
Đây là điểm có bức tượng bán thân “Nữ thần tự do” đang bị mạng xã hội “ném đá” vì khác xa so với nguyên bản.
Theo bà Vượng, sẽ kiểm tra thực trạng sử dụng đất; việc xây dựng điểm check in này có tuân thủ quy định sử dụng đất hay không; việc sao chép tượng, đặc biệt là lấy nguyên mẫu từ các tác phẩm nổi tiếng thế giới, vĩ nhân… có tuân thủ theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Kiểm tra tượng “Nữ thần Tự do” phiên bản “đột biến” ở Sa Pa |
Ngoài ra, công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng có đảm bảo an toàn đối với du khách, bởi khu vực đặt tượng ở vị trí khá cheo leo, cần thiết kế đảm bảo an toàn cho du khách; chất lượng, kết cấu của công trình...
“Thị xã đang yêu cầu chủ cơ sở tổng hợp tài liệu, hồ sơ liên quan để làm việc với đoàn liên ngành”, bà Vượng nói.
Bà Vượng cũng cho biết, mới đây nhất, 16/3 Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa đã ký văn bản về việc chấn chỉnh và chuẩn hóa các quy trình xin cấp phép đối với các điểm check in du lịch trên địa bàn.
Trước đó, chưa có quy định cụ thể về mặt nhà nước, các sơ sở kinh doanh du lịch xây dựng các công trình check in cho khách chụp ảnh đều là tự phát.
Tác phẩm mô phỏng tượng “Nữ thần tự do” phiên bản “đột biến” ở Sa Pa đang bị dư luận "ném đá" |
Theo bà Vượng, tại thị xã Sa Pa hiện có trên 20 điểm check in tư nhân, nhiều điểm xây dựng các công trình với mục đích cho khách chụp ảnh lưu niệm (như tượng, xích đu kiểu tổ chim…) khá phản cảm, thiếu thẩm mỹ, đặc biệt là độ an toàn đối với con người…
“Việc sao chép, xây dựng tượng cần đảm bảo đúng tỷ lệ, cân đối, đúng với nguyên mẫu ban đầu để đảm bảo tính thẩm mỹ. Sao chép các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng càng cần đảm bảo tính thẩm mỹ, tôn trọng bản quyền của tác giả, tác phẩm”, bà Vượng nhấn mạnh.
Trưởng phòng Văn hóa thị xã cũng thông tin, bức tượng "Nữ thần tự do" bán thân tại AnSaPa được xây dựng từ năm 2020. Hình ảnh đang lan truyền trên mạng là phiên bản đầu tiên, khá buồn cười và kém tính thẩm mỹ so với nguyên tác. Sau đó, họ đã chủ động sửa chữa nhìn cũng không đến nỗi dở như ban đầu.
Trước đó, mạng xã hội lan truyền các bức ảnh chụp hình ảnh tượng nữ thần tự do "phiên bản Việt Nam", "phiên bản đột biến"... được đặt tại một khu du lịch tự mở của người dân ở thị xã Sa Pa.
"Phiên bản lỗi" mô phỏng công trình điêu khắc núi Rushmore cũng ở điểm du lịch AnSaPa |
Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vụ việc. Nhiều người cho rằng, bức tượng này nhìn rất hài hước. Nhiều người khác nêu quan điểm đây là một sự sao chép thiếu thẩm mỹ.
Bức tượng trên được đặt trong khu vực check in có tên AnSaPa rộng khoảng 2ha, có chiều cao khoảng 30m, được làm từ thạch cao và xi măng, bên trong có khung bằng thép.
Ngoài bức tượng "Nữ thần tự do", điểm du lịch này còn thiết kế một "phiên bản lỗi" khác mô phỏng công trình điêu khắc núi Rushmore của Mỹ (tạc chân dung 4 vị tổng thống Mỹ vào vách núi).
Hai tác phẩm này người thực hiện chưa được lành nghề nên tỉ lệ khuôn mặt tượng đã bị biến dạng, mất thẩm mỹ.
UBND thị xã Sa Pa cho biết, tới đây sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các địa điểm kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Hiện, thị xã đã có thông báo đến các xã, phường tuyên truyền, tổ chức các cá nhân xây dựng địa điểm check in phải thực hiện đầy đủ theo quy trình và quy định của chính quyền, nếu xây dựng, sử dụng sai mục đích sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Công trình Panorama Mã Pì Lèng "dính" loạt sai phạm sau cải tạo
Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang xác định, sau quá trình cải tạo, Panorama Mã Pì Lèng thực hiện không đúng phương án được duyệt, có những phần chưa phá dỡ.
Thái Bình